Châu Á được dự báo tạo ra nhiều tài sản hơn Mỹ trong một thập kỷ tới. Và khi đó, nhu cầu máy bay riêng tại đây sẽ tăng gấp nhiều lần. Gulfstream Aerospace, Airbus và cả Bombardier đều đang quan tâm đến khu vực này và thúc đẩy các dịch vụ hỗ trợ, do hơn 15% máy bay hạng sang của thế giới có thể là ở đây năm tới.
"Tất cả chúng tôi đều cho rằng thị trường châu Á sẽ trở nên khổng lồ. Các doanh nhân tại Trung Quốc chẳng gặp trở ngại nào trong việc mua máy bay cả. Và họ vẫn đang đổ tiền vào phương tiện này", Ang Chye Kiat - Phó chủ tịch về bảo dưỡng và sửa chữa máy bay tại Singapore Technologies Aerospace cho biết.
Ngoài công ty và Chính phủ, các tỷ phú cũng đang ngày càng đặt hàng nhiều máy bay riêng, với giá có thể lên hơn 70 triệu USD. Đó thậm chí còn là giá trước khi đã thay đổi nội thất, sơn sửa. Năm 2014, Bombardier cho biết thế giới có khoảng 16.000 máy bay riêng.
Theo báo cáo về người siêu giàu của Wealth-X và UBS năm 2014, chủ sở hữu các máy bay riêng tại châu Á có tài sản trung bình là 1,1 tỷ USD. Trong khi đó, con số này tính trên cả thế giới chỉ là 250 triệu USD. Nhóm người tại châu Á cũng trẻ hơn và có xu hướng chi nhiều hơn 40% cho máy bay riêng.
Trong dự báo mới nhất, Bombardier cho biết năm 2024, khoảng 9.000 máy bay riêng sẽ được giao cho khách, mang về 267 tỷ USD doanh thu cho các hãng sản xuất. Khoảng 17% số này sẽ phục vụ thị trường châu Á.
Bên cạnh đó, trước khi giao hàng, các máy bay này còn trải qua quy trình thay đổi nội ngoại thất theo sở thích của chủ nhân. Nó có thể được gắn trang sức Swarovski lên trần để mô phỏng các vì sao, đi kèm thảm lụa có thêu tên chủ, hoặc trang bị hệ thống giải trí Bang & Olufsen.
Theo các hãng cung cấp dịch vụ này, người mua châu Á thường là các tài phiệt ngành tiêu dùng, bất động sản, casino và hàng hóa. Họ thường muốn có máy bay lớn hơn, bay đường dài hơn. Ví dụ như chiếc Global 5000 của Bombardier với giá khởi điểm 500 triệu USD, để bay đến châu Âu.
Người mua từ Trung Quốc thích nội thất có phong cách quê hương hơn, với thảm màu đỏ hoặc cam, trang trí bằng vàng, Jackie Wu - nhà sáng lập kiêm chủ tịch hãng tư vấn JetSolution Aviation cho biết. Dù vậy, ngày càng nhiều người chịu ảnh hưởng từ các thương hiệu và thiết kế phương Tây.
Wu từng có một khách hàng tại Hong Kong (Trung Quốc) chi 1,3 triệu USD để trang trí lại cả trong và ngoài một chiếc Gulfstream G550 cho giống Ferrari vàng đen. Do đây là loại xe ưa thích của vợ ông.
"Rất nhiều người đã quen vào khách sạn 5 sao và nhà hàng có sao Michelin. Tức là mọi khía cạnh cuộc sống của họ đều có chất lượng tốt nhất. Thế nên, khi bay họ cũng đòi hỏi như vậy", Jenny Lau - CEO Sino Jet Management giải thích.
Nhiều người cần đồ dùng mạ vàng, thêu vàng. Số khác lại đòi hỏi phải có bàn chơi mạt chược truyền thống của Trung Quốc, hay đèn sàn nhảy trong phòng hát karaoke. Họ còn thuê thầy phong thủy để sắp xếp sao cho toilet không quay mặt vào phòng ngủ.
"Nhìn chung, châu Á - Thái Bình Dương là thị trường lớn nhất thế giới trong 20 năm tới. Họ giàu tiền bạc, nhưng lại eo hẹp thời gian. Vì thế, máy bay riêng là cách giải quyết tốt nhất", David Velupillai - Giám đốc Marketing tại Airbus Corporate Jets kết luận.
Hà Thu (theo Bloomberg)