Arleigh Burke - 'lá chắn thần' của Mỹ trước tên lửa đạn đạo

Arleigh Burke là lớp tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường (DDG) đầu tiên của Mỹ được chế tạo trên nền tảng hệ thống chiến đấu Aegis. Đây là một trong những tổ hợp tác chiến hiện đại và phức tạp nhất thế giới, biến khu trục hạm lớp Arleigh Burke thành một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo do Mỹ phát triển, theo Navy Recognition.

Khu trục hạm lớp Arleigh Burke hộ tống tàu sân bay
 
 

Khu trục hạm lớp Arleigh Burke hộ tống tàu sân bay.

Lớp Arleigh Burke cũng là nền tảng để các quốc gia đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc phát triển lực lượng tàu chiến mặt nước chủ lực. Sự kết hợp của những tàu khu trục này tạo nên "lá chắn thần" bảo vệ Mỹ và các đồng minh khỏi mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo.

Sự ra đời của lớp Arleigh Burke

Vào thập niên 1980, hải quân Mỹ muốn tạo ra một loại tàu chiến kết hợp những kỹ thuật tiên tiến nhất, có khả năng tàng hình trước radar và cảm biến của đối phương, đồng thời cung cấp khả năng phòng thủ chống máy bay, tên lửa hành trình và tàu ngầm tấn công của Liên Xô. Ngoài ra, nó còn có nhiệm vụ hộ tống nhóm tác chiến tàu sân bay trên những vùng đại dương cách xa căn cứ hải quân và không quân Mỹ.

Tàu USS Arleigh Burke (DDG-51). Ảnh: Hải quân Mỹ.

Với các nhu cầu đó, hải quân Mỹ năm 1985 ký hợp đồng trị giá 321,9 triệu USD với nhà máy đóng tàu Bath Iron Work để chế tạo chiếc tàu đầu tiên thuộc  lớp này mang tên USS Arleigh Burke (DDG-51).

Tàu được hạ thủy ngày 16/9/1989, đi vào biên chế chính thức ngày 4/7/1991.

Nhóm ba tàu khu trục lớp Arleigh Burke. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Hải quân Mỹ lên kế hoạch đóng mới tổng cộng 76 tàu khu trục lớp Arleigh Burke. Từ năm 1988 đến nay, đã có 66 chiếc được hoàn thành, 62 tàu trong số đó được biên chế cho các đơn vị của hải quân Mỹ.

Nhà máy Ingalls Shipbuilding và Bath Iron Works đang tiếp tục đóng mới ba tàu và hoàn thiện 4 tàu để chuẩn bị bàn giao cho hải quân Mỹ.

Uy lực tàu khu trục lớp Arleigh Burke

Lớp Arleigh Burke nằm trong số các khu trục hạm lớn nhất từng được Mỹ chế tạo, cho tới khi siêu tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt ra đời. Chúng được thiết kế để trở thành chiến hạm đa năng, đáp ứng vai trò tác chiến phòng không (AAW), chống ngầm (ASW) và chống tàu mặt nước (ASuW).

Việc trang bị cụm radar mảng pha quét điện tử AN/SPY-1, tên lửa đánh chặn SM-2/3 và hệ thống phòng thủ Aegis biến tàu khu trục lớp Arleigh Burke thành tổ hợp chống tên lửa đạn đạo và diệt vệ tinh hiệu quả nhất trong biên chế hải quân Mỹ.

Thử nghiệm tên lửa SM-3 trên tàu khu trục lớp Arleigh Burke
 
 

Thử nghiệm tên lửa SM-3 trên tàu khu trục lớp Arleigh Burke.

Lớp Arleigh Burke được chia thành nhiều phiên bản (Flight). 21 tàu đầu tiên từ DDG-51 tới DDG-71 được xếp vào Flight I, 7 chiếc tiếp theo (DDG-72 tới DDG-78) thuộc Flight II. Bản nâng cấp IIA được chế tạo từ cuối năm 1997, bao gồm 43 chiếc đã được biên chế (DDG-79 tới DDG-112) và 11 tàu đang trong quá trình đóng mới và hoàn thiện (DDG-113 đến DDG-123). Flight III gồm ba tàu (DDG-124 đến DDG-126) vừa được hải quân Mỹ đặt mua, nhưng chưa bắt đầu quá trình đóng mới.

Lượng giãn nước toàn tải của Flight I là 8.315 tấn, Flight II là 8.400 tấn, Flight IIA tăng tới 9.200 tấn và Flight III là 9.800 tấn. Flight I và II có chung chiều dài 154 m, trong khi Flight IIA kéo dài lên mức 155 m. Chiều rộng tất cả các tàu đều là 20 m.

Thông số cơ bản của lớp Arleigh Burke. Đồ họa: Việt Chung.

Bệ VLS Mk 41 trên lớp Arleigh Burke. Ảnh: Seaforce.

Mỗi tàu được trang bị 90-96 ống phóng thẳng đứng (VLS) chia làm hai cụm trước và sau thượng tầng, có khả năng sử dụng tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk, tên lửa phòng không RIM-156 SM-2 và RIM-161 SM-3, cùng tên lửa chống ngầm RUM-139 VL-ASROC.

Việc bố trí phân tán vũ khí đảm bảo tàu khu trục có thể duy trì hỏa lực khi một hệ thống bị trục trặc hoặc một khu vực trên tàu bị tấn công.

Ngoài khả năng phòng không và tấn công mặt đất, những chiếc Arleigh Burke còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác, đặc biệt là tác chiến chống ngầm. Chúng được trang bị hệ thống định vị thủy âm (sonar) AN/SQS-53C gắn trên thân và sonar kéo AN/SQR-19 sau tàu để phát hiện tàu ngầm từ phía đuôi. Mỗi tàu có hai cụm ống phóng ngư lôi chống ngầm Mark 32 với 6 quả đạn.

Pháo Mark 45 cỡ nòng 127 mm. Ảnh: Wikipedia.

Để cận chiến, lớp Arleigh Burke được trang bị một hải pháo Mark 45 cỡ nòng 127 mm phía mũi với tầm bắn 21 km và cơ số đạn 600 viên. Các tàu còn được trang bị vũ khí hạng nhẹ để đối phó các mối đe dọa nhỏ, như hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx 20 mm và pháo tự động M242 Bushmaster 25 mm.

Chỉ có 28 tàu lớp Arleigh Burke được trang bị tên lửa chống hạm Harpoon, 34 chiếc còn lại đã loại bỏ hoàn toàn loại vũ khí này. Những chiếc mang tên lửa Harpoon cũng dần chuyển sang vai trò phòng thủ tên lửa đạn đạo với sự xuất hiện của tên lửa SM-3 Block 1B.

Khả năng chở trực thăng không xuất hiện ở Flight I và II. Phải tới Flight IIA, các tàu thuộc lớp này mới có thể mang theo hai trực thăng MH-60R Seahawk.

Cung cấp lực đẩy cho tàu là 4 động cơ turbine khí General Electric LM2500 với tổng công suất 105.000 mã lực, giúp tàu đạt tốc độ tối đa 56 km/h. Tầm hoạt động của lớp Arleigh Burke đạt mức 8.100 km ở tốc độ hành trình 37 km/h.

AN/SPY-1D - tai mắt của Arleigh Burke

AN/SPY-1D là hệ thống radar mảng pha quét điện tử thụ động (PESA) dành cho hải quân được Lockheed Martin chế tạo. Đây là thành phần chủ chốt của hệ thống chiến đấu Aegis, được máy tính điều khiển và sử dụng 4 đài thu phát radar cố định nhằm cung cấp khả năng trinh sát, theo dõi mục tiêu liên tục trong phạm vi 360 độ quanh tàu.

Hai mảng thu phát của radar AN/SPY-1D. Ảnh: Seaforce.

Radar AN/SPY-1 đi vào biên chế năm 1983 với việc lắp đặt trên tàu tuần dương USS Ticonderoga. Lớp Arleigh Burke được thừa hưởng những cải tiến của dòng radar này, với việc USS Arleigh Burke là tàu chiến đầu tiên được trang bị mẫu AN/SPY-1D tối tân vào năm 1991.

AN/SPY-1D có tầm hoạt động tối đa 320 km với mục tiêu trên không và 83 km với tên lửa bay bám biển. Mỗi đài radar có thể theo dõi 200 mục tiêu cùng lúc, cho phép mỗi tàu Arleigh Burke quản lý tới 800 mục tiêu. Ưu điểm lớn nhất của AN/SPY-1D là đường truyền dữ liệu tới tên lửa được tích hợp thẳng vào radar, thay vì phải dùng bộ phát riêng như các biến thể trước đó.

Mỹ trang bị 'mắt thần' mới cho khu trục hạm chủ lực
 
 

Hệ thống AMDR trên tàu khu trục Arleigh Burke Flight III.

Tập đoàn Raytheon tháng 5/2017 giành được hợp đồng trị giá 327 triệu USD để sản xuất thử nghiệm radar AN/SPY-6(V), một phần trong chương trình phòng không và chống tên lửa (AMDR). Ba bộ radar AMDR sẽ được chế tạo và lắp đặt trên các tàu Arleigh Burke Flight III.

Sử dụng công nghệ vật liệu gallium-nitride, AN/SPY-6(V) mạnh gấp nhiều lần hệ thống radar AN/SPY-1D. Raytheon tuyên bố radar này có khả năng phát hiện mục tiêu nhỏ hơn một nửa và ở khoảng cách gấp đôi so với mẫu AN/SPY-1D(V) mới nhất trong biên chế hải quân Mỹ.

Sát thủ diệt tên lửa đạn đạo SM-3 - khiên chắn của Arleigh Burke

Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) và tập đoàn Raytheon hồi tháng 2 phóng thử biến thể Block IIA của tên lửa RIM-161 SM-3, phá hủy thành công một tên lửa đạn đạo tầm trung đang bay. Đây là bước tiến mới trong chương trình phát triển hệ thống phòng không có khả năng phát hiện và tấn công tên lửa đạn đạo từ trong vũ trụ.

SM-3 là tên lửa đánh chặn ngoài khí quyển có nhiệm vụ tiêu diệt tên lửa đạn đạo đối phương trong pha giữa, khi mục tiêu bay hành trình trong không gian.

Theo chuyên gia quân sự Kris Osborn, SM-3 Block IIA hiện được Mỹ và Nhật Bản hợp tác phát triển để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) và tầm xa (IRBM). Bên cạnh radar AN/SPY-1D, đây là thành phần quan trọng nhất của hệ thống phòng thủ Aegis, cung cấp khả năng đánh chặn tên lửa cho các tàu khu trục lớp Arleigh Burke.

Một quả đạn SM-3 Block IIA vừa hoàn thiện. Ảnh: Raytheon.

Phiên bản SM-3 Block IIA mới nhất có tầm bắn tới 2.500 km, đạt tốc độ tới 16.200 km/h. Mỗi quả đạn được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính (INS), định vị toàn cầu (GPS), radar bán chủ động (SARH) và hồng ngoại bước sóng dài.

Tên lửa không được trang bị đầu đạn nổ mảnh thông thường. Thay vào đó, quả đạn SM-3 lao thẳng vào mục tiêu, phá hủy tên lửa đối phương bằng động năng cực lớn. Phương pháp này bảo đảm không kích nổ đầu đạn hạt nhân mục tiêu, hạn chế thiệt hại cho khu vực bên dưới. Bù lại, hệ thống dẫn đường đòi hỏi độ chính xác rất cao, chỉ một sai sót nhỏ cũng khiến nó lệch mục tiêu và trở nên vô dụng. Đây cũng là lý do khiến các vụ thử SM-3 có tỷ lệ thành công thấp.

Tên lửa SM-3 Block IIA rời bệ phóng. Ảnh: Raytheon.

Một vấn đề khác ảnh hưởng tới khả năng phòng thủ tên lửa của lớp Arleigh Burke chính là chi phí của SM-3. Để bảo đảm khả năng đánh chặn hiệu quả, tàu chiến phải phóng nhiều quả đạn cho mỗi mục tiêu MRBM và IRBM. Điều này đòi hỏi mỗi chiếc Arleigh Burke phải mang cơ số tên lửa SM-3 lên tới hàng chục quả.

Trong khi đó, tên lửa SM-3 có giá từ 9-24 triệu USD tùy phiên bản, khiến việc trang bị đại trà cho hàng chục tàu khu trục lớp Arleigh Burke là gánh nặng lớn với ngân sách quốc phòng Mỹ và Nhật Bản.

 

Mỹ không đủ nguồn lực để trang bị đạn SM-3 Block I cũ kỹ cho các tàu Aegis, chưa nói tới việc lắp đặt biến thể Block IIA đắt đỏ hơn nhiều. Tất cả những yếu tố này khiến Washington và Tokyo không thể tự tin về khả năng tự vệ trước tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng nếu nổ ra chiến tranh.

Chuyên gia quân sự Sebastien Roblin

Các phiên bản nước ngoài của lớp Arleigh Burke

Chỉ có Nhật Bản và Hàn Quốc sử dụng các phiên bản nội địa được phát triển trên nền tảng Arleigh Burke, với nhiều cải tiến so với biến thể gốc của Mỹ.

Tàu Sejong Đại đế (DDG-991). Ảnh: Hải quân Hàn Quốc.

Hải quân Hàn Quốc sở hữu 6 tàu lớp Sejong Đại đế (KD-III), trong đó ba chiếc đã được biên chế, số còn lại đang trong giai đoạn hoàn thiện. Đây là biến thể lớn nhất của lớp Arleigh Burke, với giãn nước đầy tải lên tới 11.000 tấn. Khối lượng tăng thêm cho phép lớp Sejong Đại đế mang tới 128 ống phóng thẳng đứng, nhiều hơn mức 90-96 ống trên các tàu nguyên bản do Mỹ chế tạo.

80 ống phóng trong số này là hệ thống Mk 41 VLS, được dành để chứa các tên lửa phòng không tầm trung SM-2 Block IIIB và Block IV với tầm bắn tới 160 km. 48 bệ còn lại là hệ thống K-VLS nội địa của Hàn Quốc, chứa 32 tên lửa hành trình Hyunmoo-3 và 16 tên lửa chống ngầm K-ASROC. Ngoài ra, lớp Sejong Đại đế còn mang tới 16 tên lửa chống hạm SSM-700K, nhiều gấp đôi các tàu lớp Arleigh Burke.

Tàu khu trục lớp Sejong Đại đế

Đây là biến thể lớn nhất của lớp Arleigh Burke, với giãn nước tới 11.000 tấn.

Tàu khu trục lớp Kongo

Nhật Bản sở hữu 4 tàu khu trục lớp Kongo.

Tàu khu trục lớp Atago

Atago được tối ưu cho nhiệm vụ chỉ huy hạm đội, với thượng tầng cao hơn phiên bản Arleigh Burke Flight IIA để chứa thêm khoang điều hành.

Nhật Bản có hai phiên bản Arleigh Burke nội địa, gồm lớp Kongo (4 chiếc) và Atago (hai chiếc). Cả hai tàu đều có giãn nước lớn hơn bản gốc, lớp Kongo có giãn nước toàn tải 9.500 tấn, trong khi lớp Atago lên tới 10.000 tấn, trở thành tàu chiến mặt nước đầu tiên của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) đạt mức giãn nước này.

Cả lớp Kongo và Atago đều được tối ưu cho nhiệm vụ chỉ huy hạm đội, bao gồm việc bổ sung thêm nhiều khoang trên phần thượng tầng, làm nó cao hơn bản Arleigh Burke Flight IIA. Vũ khí của các tàu này tương tự như nguyên gốc do Mỹ chế tạo.

Điểm khác biệt lớn nhất là tàu khu trục Nhật Bản không trang bị tên lửa hành trình Tomahawk, đáp ứng chủ trương phòng thủ, không sử dụng vũ khí tấn công của JMSDF. Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản đang xem xét việc mua tên lửa Tomahawk, chính thức hoàn thiện kho vũ khí cho các chiến hạm mạnh nhất của mình.

Tương lai của lớp Arleigh Burke

Các chuyên gia cho rằng lớp Arleigh Burke vẫn giữ vai trò quan trọng trong thành phần hạm đội tàu nổi Mỹ, nhất là khi nước này đang dần loại biên các tàu tuần dương lớp Ticonderoga, còn dự án siêu tàu khu trục lớp Zumwalt bị cắt giảm chỉ còn ba chiếc so với 32 tàu theo kế hoạch ban đầu. Điều này sẽ tạo ra một khoảng trống rất lớn trong hải quân Mỹ, vốn cần hàng loạt tàu nổi để làm nhiệm vụ hộ tống biên đội tàu sân bay, cũng như tuần tra trên các vùng biển khắp thế giới.

Hàng loạt nâng cấp như Hệ thống Kiểm soát Hỏa lực - Phòng không Tích hợp (NIFC-CA), radar AN/SPY-6(V) trong chương trình AMDR sẽ giúp lớp Arleigh Burke duy trì khả năng tác chiến trước các mối đe dọa mới như tên lửa đạn đạo hay chiến tranh phi đối xứng.

Tàu khu trục lớp Arleigh Burke, đặc biệt là những chiếc thuộc Flight III, sẽ là xương sống của hải quân Mỹ trong nhiều năm tới, trước khi họ hoàn thiện dự án Tàu chiến mặt nước tương lai (FSC). Hiện nay, lớp Arleigh Burke là lựa chọn hợp lý nhất cho lá chắn tên lửa đạn đạo của Mỹ và đồng minh, sau khi lớp Zumwalt chứng tỏ rằng chúng không phù hợp để đối phó với mối đe dọa này.

Chuyên gia quân sự Dave Majumdar

Việt Hòa - Tử Quỳnh

Bình luận
Ý kiến của bạn