Buổi sáng cuối hè 1987, Cam Ranh nắng như đổ lửa. Chiến sĩ ngành máy Phạm Hồng Sâm cúi đầu, nhắm mắt nghe bên cạnh có đồng đội đang khóc.
Sau bài thể dục, thủy thủ Hải đoàn tàu ngầm 182 nhận lệnh tập hợp. Tay run run, Hải đội trưởng Trần Quang Khuê đọc quyết định của Bộ Tổng tham mưu giải thể Hải đội tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam. Ai muốn ra quân hay về đơn vị mới đều được tạo điều kiện.
Dù biết trước có ngày này, thủy thủ đoàn vẫn lặng người.
Cựu thủy thủ ngành máy Hải đội tàu ngầm 182 Phạm Hồng Sâm. Ảnh: Giang Huy.
Hôm sau, những thủy thủ tàu ngầm, đa phần là lính trẻ độ tuổi 20 lên tàu ngược ra Bắc, hòa vào dòng người xuôi ngược mưu sinh. Một số ở lại tiếp tục phục vụ hải quân. Trước lúc chia tay, Sâm nghe đồng đội nhắn nhủ: "Gắng sống tốt, sau này có khi gặp lại".
30 năm sau, ngồi trong khách sạn nhỏ ở Hà Nội - nơi đang làm việc, ký ức cùng những con tàu ùa về khiến Phạm Hồng Sâm thấy tất cả như mới hôm qua.
Thời niên thiếu, Sâm từng say mê Hai vạn dặm dưới đáy biển của văn hào Pháp Jules Verne. Tiểu thuyết khoa học viễn tưởng nói về hành trình của thuyền trưởng Nemo và con tàu ngầm Nautilus (tiếng Hy Lạp nghĩa là thủy thủ) trong lòng đại dương huyền ảo. Sâm mơ mình được ngồi trên con tàu có cửa kính trong suốt, nhìn thấy đáy biển, đèn pha rọi sáng.
Năm 19 tuổi, Phạm Hồng Sâm từng có một giấc mơ như thế...
Mùa hè 1982, thủ trưởng gọi Sâm khi đó là pháo thủ 12,7 ly lên giao nhiệm vụ: "Có quyết định đi nhận vũ khí mới. Cháu muốn đi hay ở lại ôn thi vào đại học quân sự?".
Tò mò, tân binh 19 tuổi đoán đó là loại tàu tên lửa, không biết có khí tài mang tên tàu ngầm. Anh gật đầu "Vâng, cháu đi nhận vũ khí mới".
Năm ấy, cả đơn vị hơn 400 tân binh khám sức khỏe để tuyển quân cho tàu ngầm, mình Sâm trúng. "Thấy đơn vị gọi thì đi, có biết khám tuyển làm gì đâu", Sâm kể.
Nửa năm sau, Sâm mới biết. Được chọn vào khung tàu ngầm là những tân binh xuất sắc toàn quân chủng, sát hạch khắt khe ngang tuyển phi công.
Tháng 6/1982, đơn vị khung tàu ngầm đầu tiên trực thuộc Bộ tham mưu Hải quân thành lập, lấy mật danh "Đoàn 682" (đặt theo thời gian thành lập). Hải đội tàu ngầm 182 - đơn vị đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam ra đời hai năm sau đó theo quyết định của Bộ Tổng tham mưu.
Trước khi trở thành thủy thủ tàu ngầm, Sâm cùng đồng đội trải qua thời gian dài khổ luyện trong nước, với những bài tập "nặng đô" cho tới khi sang Trung tâm huấn luyện tàu ngầm Riga, thuộc Cộng hòa Latvia (Liên Xô cũ).
Đoàn đóng quân ở Bãi Cháy (Quảng Ninh), cả khung thường chào ngày mới bằng bài chạy bộ 20 km lúc 5h xuống bến phà vòng về vườn đào, sau đó bơi hai vòng 10 km trên vịnh.
Buổi chiều học tiếng Nga xong, lính trẻ ở tuổi bẻ gãy sừng trâu thường thích đọ sức, đố nhau tập đu quay, vòng lăn di động, chạy cầu sóng... Đu quay thường đánh bài tự do khoảng 700 vòng để luyện tiền đình, chịu đựng sóng gió khi đi biển.
Cầu sóng là tấm ván dài buộc hai đầu treo cao hơn 2 m, các chàng trai đứng lên đó nhún để ván đong đưa cao dần như chơi xích đu nhưng tay không được vịn vào thứ gì. Ván đu, lính chạy. Ban đầu được vài lượt, lính văng ra ngoài hoặc ngã trầy tay, xước gối.
Luyện càng nhiều, sức khỏe càng dẻo dai. Có lần về Hải Phòng chơi Tết, thấy người ta thách ai chơi đu quay được trọn một vòng thì nhận bao thuốc lá Sông Cầu, nhóm lính khung tàu ngầm vui vẻ đu thử 10 vòng thì được biếu cả tút thuốc để…không đu nữa.
Các bài thể thao đặc chủng của học viên hải quân. Nguồn: Quốc phòng Việt Nam.
Về khung là những người đã được tuyển chọn cặn kẽ, nhưng hai năm luyện tập trở thành phép thử. Có người không vượt qua được, báo ốm đau, không đi tập. "Bệnh tư tưởng" khiến hàng chục người rơi rớt. Khung tàu ngầm tiếp tục bổ sung quân số.
Qua vòng kiểm tra cuối cùng, khoảng 40 người nữa rớt tiếp. Ngày lên đường sang Riga, quân số chốt lại của khung tàu 1, trạm nổi là hơn 50.
Những ngày huấn luyện của khung tàu ngầm đầu tiên tại Riga. Ảnh: Hải đội tàu ngầm 182.
Ra đi giữa mùa phượng cháy rực thành phố cảng, ai nấy chộn rộn. Đoàn tập trung ở Hà Nội, Sâm được về nhà ở Cầu Diễn ngủ một đêm. Đêm ấy, ba anh dặn: "Sang đó chịu khó học hành, đừng có tư tưởng đi buôn bán gì đấy".
Đi Liên Xô học ngày ấy là cơ hội để kiếm tiền, thay đổi cuộc đời của nhiều người. Nhưng người lính hải quân năm ấy thì không. Trong đầu anh chỉ có tàu Nautilus của thuyền trưởng Nemo.
Với Sâm, tàu ngầm chắc phải có kính để nhìn được lòng biển như Nautilus. Nhưng lần đầu xuống tàu, Sâm chỉ thấy ngột ngạt, mùi sắt tanh xộc vào mũi, các khoang chật chội.
Mỗi cử động dưới tàu đều theo quy trình chặt chẽ, không có động tác thừa, từ sang khoang, bước qua cánh cửa đến đi vệ sinh. Muốn đi lại, họ phải báo cáo chỉ huy, được phép mới di chuyển. Mỗi người phải chịu trách nhiệm về hành động nhỏ nhất của mình, nếu không dễ biến con tàu thành "quan tài sắt" chôn cả thủy thủ đoàn.
Chuyến đi đầu tiên trong lòng đại dương không thấy cá bơi qua cửa kính như trong truyện, xung quanh Sâm toàn máy móc. Anh biết độ sâu, tàu lặn, nổi qua thông báo mỗi 15 phút. Âm thanh duy nhất ngoài đại dương mà Sâm nghe được là sóng sonar (thủy âm) của đội tàu săn ngầm Libya nện vào thành tàu nghe "đing đing".
"Thấy Ba Lan, Ấn Độ vận hành Kilo 636 thì thèm, như thấy người đi xe xịn mà mơ ước. Không nghĩ tới một ngày mình cũng sở hữu, nhưng lại là hơn 30 năm sau".
Phạm Hồng Sâm
Ông Vũ Hồng Hảo, Phó ngành Radar - Sonar của hải đội. Ảnh: Giang Huy.
Vũ Hồng Hảo chọn ca khúc Đôi bờ tiếng Nga làm nhạc chờ điện thoại, để nhắc nhớ về quãng thời gian ở Riga.
Sau này, thi thoảng trong các cuộc vui, ông nói từng là lính tàu ngầm. Có người không tin, bảo "Ông nói láo, mấy năm nay mới thấy nói mua tàu ngầm". Ông Hảo chỉ lắc đầu cười.
Trước khi về khung tàu ngầm, Vũ Hồng Hảo là đặc công nước, bơi vô địch nhưng mắt cận thị. Bù lại, ông có đôi tai rất thính, nghe tiếng chân vịt dưới nước có thể phân biệt được là tàu khu trục, phóng lôi, hộ vệ pháp hay tàu sân bay.
Nhờ khả năng nghe lợi hại, Hảo được các thầy ở Riga dạy cách phân biệt các loại âm thanh khi đi biển. Thầy giáo ở chuyên khoa Phân biệt mục tiêu còn cho Hảo mượn hết đĩa thu âm tích cóp được trong cuộc đời làm lính tàu ngầm, cho mượn luôn thẻ vào thư viện mật xem tài liệu quý.
Hơn một năm, ngày nào lớp trưởng ngành Radar - Sonar cũng bỏ ra mấy tiếng để nghe, phân biệt âm thanh của các loại tàu, vũ khí. "Hồi đó, các thầy có gì dạy hết, không giấu giếm vì mục tiêu để học viên Việt Nam điều khiển thành thạo tàu ngầm", ông nhớ lại.
"Chúng tôi tâm niệm mình là những viên gạch đầu tiên nên phải là gạch được nung tốt nhất".
Trung tướng Trần Quang Khuê
Các cựu quân nhân Hải đội 182 gặp mặt truyền thống 35 năm tại Hải Phòng vào đầu tháng 6/2017. Ảnh: Giang Huy.
Dường như nghèo khó thì dễ hun đúc giấc mơ ăn học thành tài. Những chàng lính trẻ măng vừa gánh trách nhiệm, vừa có ước mơ hầu hết tốt nghiệp với điểm số tối đa 5/5, trở thành khung tàu tốt nhất mà Riga từng đào tạo.
Ngày trở về, trong valy Vũ Hồng Hảo chật kín tài liệu về tàu ngầm với niềm tin sẽ giúp ích cho đội tàu Việt Nam.
Họ không biết rằng, kiến thức ấy, sẽ không bao giờ được dùng đến.
Bộ tư lệnh Hải quân tuyển quân cho khung tàu ngầm.
Khung tàu đầu tiên mật danh Đoàn 682 thành lập.
Huấn luyện thể lực, học ngoại ngữ tại Việt Nam.
Hải đội tàu ngầm 182 ra đời trên cơ sở Đoàn 682.
Huấn luyện tại Liên Xô.
Về nước, đóng tại Cam Ranh.
Hải đội giải thể.
Một phần ba thế kỷ trôi qua, có đôi khi những cựu thủy thủ như Phạm Hồng Sâm, Vũ Hồng Hảo cảm thấy mình đã đứng ngoài cuộc. Nhưng các ông vẫn trân trọng, gìn giữ mọi điều nhỏ nhặt. Đó là cuốn nhật ký những ngày thực tập dưới tàu, tấm bằng chứng nhận tốt nghiệp điểm số 5/5, là ký ức về chiếc tàu ngầm chu du dưới đáy biển Baltic xa xôi hay nghi thức uống hết chao đèn nước biển để trở thành thủy thủ tàu ngầm...
Di sản của những ngày tháng Riga ấy, chỉ còn vương lại chút ít trên đường mưu sinh. Vũ Hồng Hảo lập một công ty chuyên về thiết bị công nghệ, tín hiệu cho tàu du lịch trên vịnh Hạ Long - như một cách tận dụng những kiến thức về radar của mình.
"Giải thể hải đội là quyết định cực kỳ khó khăn của Bộ Tổng tham mưu thời điểm ấy, khi xác định ta chưa đủ tiềm lực để xây dựng binh chủng tàu ngầm", Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân nói.
Ông cho biết, sau ngày thống nhất, Việt Nam đã có kế hoạch phát triển hải quân. Theo Hiệp ước năm 1978, Việt Nam đồng ý để Liên Xô sử dụng quân cảng Cam Ranh trong 25 năm. Bù lại, Liên Xô giúp phát triển hải quân, viện trợ cho Việt Nam khí tài để xây dựng binh chủng tàu mặt nước.
Năm 1982, Liên Xô dự định viện trợ cho Việt Nam 2 tàu ngầm Đề án 613 và đào tạo thủy thủ. Bộ Tổng tham mưu quyết định thành lập lực lượng tàu ngầm, tuyển quân đi học. Song thời điểm định nhận tàu về thì có sự thay đổi. Đi kèm tàu ngầm phải có hậu cần kỹ thuật, trung tâm huấn luyện cho thủy thủ trị giá hàng chục triệu đô.
Đất nước khi ấy kiệt quệ, lại gánh chiến tranh biên giới phía Bắc, Tây Nam. Bộ tổng tham mưu nhận thấy không đủ khả năng đảm bảo an toàn cho tàu ngầm hoạt động, nhận tàu về thì phải tự giải quyết nếu có vấn đề phát sinh. Cuối cùng, quyết định hoãn nhận hai tàu ngầm 613, giải thể hải đội được đưa ra.
Từ năm 2000, kinh tế tăng trưởng mạnh cùng với chiến lược hiện đại hóa hải quân, phát triển kinh tế biển bảo vệ chủ quyền, yêu cầu phải mua và xây dựng lực lượng tàu ngầm một lần nữa được đặt ra.
Trước khi Việt Nam ký hợp đồng mua tàu ngầm Kilo 636 năm 2009, lớp cán bộ hải đội năm xưa như trung tướng Trần Quang Khuê, đại tá thuyền trưởng Phạm Tân, đại tá thuyền phó Trần Văn Thịnh đã có mặt trong đoàn công tác của Bộ Quốc phòng đi nhiều nước khảo sát để chọn lớp tàu thích hợp nhất. Họ mang kinh nghiệm hồi học ở Riga tham mưu cho quân chủng, Bộ Quốc phòng xây dựng binh chủng, Lữ đoàn tàu ngầm 189.
"Nếu có hai tàu ngầm cùng với kíp tàu đào tạo bài bản từ Liên Xô về sẽ giúp hải quân xây dựng kỹ năng tác chiến trong lòng biển, tạo tiền đề phát triển cho đội tàu Kilo 636 sau này".
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm
6 tàu ngầm Kilo hiện đại Đề án 636 thuộc biên chế của Lữ đoàn tàu ngầm 189, Quân chủng Hải quân. Ảnh: Trọng Thiết - Xuân Ngọc.
Hải quân Việt Nam phô diễn sức mạnh trên biển. Video: Hồng Phúc.
Năm 2017, Việt Nam hoàn tất đón 6 tàu ngầm Kilo, đưa vào biên chế Lữ đoàn 189. Quân chủng Hải quân hiện có đủ 5 binh chủng: Tàu mặt nước; Tàu ngầm, Tên lửa - pháo bờ biển; Không quân hải quân; Đặc công hải quân và Hải quân đánh bộ.
Những người lính tàu ngầm thế kỷ 21 may mắn hơn ông Sâm, ông Hảo khi được làm chủ Kilo 636 bảo vệ vùng biển quê hương mình.
Tháng 6 năm nay, hải đội tàu ngầm hội ngộ giữa thành phố cảng để nhắc nhau nhớ về một thời thanh niên sôi nổi, nghe lãnh đạo quân chủng thông tin về những bước tiến mới của lực lượng, sắm thêm được tàu gì, Biển Đông đang dậy sóng ra sao...
"Thế hệ chúng tôi tin lớp thủy thủ hiện nay với kiến thức tốt, được tạo điều kiện sẽ hoàn toàn làm chủ được tàu ngầm Kilo. Nhưng nghề biển trăm hay không bằng tay quen, phải đi nhiều mới tích lũy được kinh nghiệm, càng gặp sóng gió càng mau trưởng thành", thuyền trưởng Phạm Tân nhắn nhủ.
Kể từ ngày rời Hải Phòng cho đến tháng năm miệt mài học tập ở Riga, những người lính hải quân đã đi một chặng đường dài, mang theo mơ ước làm chủ con tàu để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo, không ngoài mục đích nào khác.
Vì thời cuộc, ước mơ vẫy vùng "hai vạn dặm dưới đáy biển" không thành, nhưng họ là những viên gạch đầu tiên xây nền móng cho lực lượng tàu ngầm - một trong năm ngôi sao biển của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Những giọt nước mắt rơi năm ấy, giờ đã hóa thành hổ phách - như một truyền thuyết của vùng biển Baltic, nơi họ đã sống giấc mơ "vạn dặm dưới đáy biển" năm xưa.
Hoàng Phương