* Bài tiết lộ nội dung phim
Prey (Con mồi) phát hành trực tuyến hôm 10/9, thuộc thể loại tâm lý - giật gân lấy đề tài sinh tồn trong rừng sâu. Nhà làm phim người Đức Thomas Sieben viết kịch bản và đạo diễn. Dự án quy tụ dàn sao của Đức như David Kross, Hanno Koffler hay Maria Ehrich.
Trong tuần trước lễ cưới, Roman (David Kross đóng) mời anh trai Albert (Hanno Koffler) và ba người bạn vào rừng dã ngoại. Sau gần một ngày leo núi và tắm suối, đoàn quay lại bãi gửi xe để chuẩn bị lên đường về nhà. Lúc này, họ bất ngờ bị một tay súng giấu mặt tấn công. Ôtô hỏng, mất sóng điện thoại, năm chàng trai phải chạy bộ vào rừng tìm nơi trú ẩn.
Prey được xây dựng theo mô-típ cũ của dòng phim giật gân - sinh tồn. Phần lớn nội dung là màn "mèo vờn chuột" giữa kẻ giết người bí ẩn và các nạn nhân. Nửa đầu phim được làm tốt khi tạo căng thẳng, gợi tò mò cho khán giả. Kẻ thủ ác bất ngờ xuất hiện, khiến không khí thay đổi. Ban đầu, hắn không lộ mặt, chỉ ẩn nấp và dùng súng tấn công.
Đạo diễn tạo chiều sâu cho kịch bản bằng cách phát triển mối quan hệ giữa các nhân vật. Với cách kể dùng nhiều phân đoạn hồi tưởng, phim hé lộ những câu chuyện đằng sau mối quan hệ bạn bè của nhóm nạn nhân. Khi rơi vào nguy hiểm, họ bộc lộ các mặt tối và sẵn sàng bỏ mặc nhau để sinh tồn. Những bất đồng trong quá khứ cũng được đẩy lên đỉnh điểm trong hành trình trốn chạy.
Trong đó, hai anh em nhân vật chính là trường hợp phức tạp nhất. Họ bên ngoài hòa thuận, thương yêu nhau. Suốt phim, Roman luôn cố gắng bảo vệ anh trai bị thương. Albert tỏ ra là người chững chạc, đạo mạo. Tuy nhiên, cả hai đều có những bí mật đen tối giấu kín.
Điểm sáng của phim là màn thể hiện tròn vai của dàn nhân vật chính. David Kross và Hanno Koffler thành công trong việc xây dựng mối quan hệ phức tạp của anh em Roman - Albert. Nút thắt trong câu chuyện giữa họ còn gây bất ngờ, hấp dẫn hơn bí mật về tên sát nhân. Bối cảnh phim cũng gây ấn tượng với những hình ảnh rừng núi hoang dã. Ê-kíp không sử dụng nhiều kỹ xảo, đầu tư công sức tìm kiếm và thiết kế những điểm quay trong thiên nhiên để tăng tính chân thực.
Nửa cuối Prey dễ khiến khán giả thất vọng vì nhiều lỗ hổng trong kịch bản và cái kết thiếu sức nặng. Phim không đem đến lời giải thích thỏa đáng, hợp lý cho các bí ẩn xoay quanh hung thủ. Cuối phim, người xem vẫn khó hiểu lý do nhóm nhân vật chính bị tấn công.
Ê-kíp cố tạo một lý do giàu tính nhân văn cho hành động dã man của kẻ phản diện. Tuy nhiên, hướng đi này phần nào khiến kết phim thiếu kịch tính và cũng không đóng góp nhiều vào chủ đề tư tưởng. Tên giết người gần như không có thoại. Cách đạo diễn sử dụng các đoạn hồi tưởng, video tư liệu để giải thích quá khứ của phản diện có phần khiên cưỡng.
Phim cũng không tạo được sự liên kết giữa hai tuyến truyện chính (về cuộc truy đuổi) và phụ (mối quan hệ của nhóm bạn). Điều này khiến các tính tiết rời rạc, lộn xộn.
Prey bị đánh giá tiêu cực từ đa phần giới phê bình và khán giả. Phim chỉ đạt điểm trung bình 20% trên Rotten Tomatoes và 4,2/10 trên IMDB. Cây viết Paul Tassi của Forbes cho rằng tác phẩm không xứng đáng để khán giả dành 90 phút theo dõi vì câu chuyện nhàm chán và cũng không mang thông điệp ý nghĩa. Nhà phê bình Roger Moore của Movie Nation nhận xét kịch bản sơ sài, như được viết bởi một đứa trẻ 12 tuổi.
Đạt Phan