Sau Chelsea năm 2003, Liverpool đang trở thành ví dụ minh họa rõ nét nhất cho những đội bóng đổi đời nhanh chóng nhờ sự hiện diện của các tỷ phú nước ngoài trên cương vị chủ tịch. Đã qua rồi quãng thời gian HLV Benitez phải đau đầu giải quyết bài toán "đầu tiên", và hài lòng với những bản hợp đồng "giá rẻ, chất lượng trung bình" (như 3 mùa giải vừa qua), khi "núi tiền" của 2 nhà tài phiệt Mỹ - Gilletts và Hicks - tỏ ra "thức thời".
![]() |
Liverpool, được sự hậu thuẫn của hai ông chủ Mỹ, đã có thể vung tiền để tậu về những món hàng xịn như Torres. Ảnh: AFP. |
Nhằm phục vụ cho tham vọng vô địch giải Ngoại hạng sau 18 năm, Benitez được duyệt chi 26,5 triệu bảng (kỷ lục trong lịch sử Liverpool) để đem về sân Anfield chân sút Fernando Torres, 11,5 triệu bảng để tậu cầu thủ chạy cánh Ryan Babel. Ngoài hai món hàng chất lượng cao này, Liverpool cũng bỏ ra 5 triệu bảng để "giật" tuyển thủ Irsael Yossi Benayoun từ West Ham và thêm ngần ấy để thâu nạp thủ quân tuyển U20 Brazil, Lucas Leiva.
Nhưng Liverpool không phải là trường hợp duy nhất. Vung tiền "chạy đua vũ trang" đang trở thành một trào lưu trong các CLB khi chuẩn bị bước vào giải đấu số một nước Anh. "Tôi cho rằng đây sẽ là kỳ chuyển nhượng mùa hè sôi động nhất từ trước đến nay. Điều này chẳng có gì lạ khi một số CLB có chủ sở hữu mới là những tỷ phú nước ngoài, các đội khác thì nhận được những món tiền lớn nhờ nguồn thu từ truyền hình", chuyên gia tài chính Dan Jones của hãng kiểm toán Deloitte & Touche nhận định.
Dan Jones không hề sai. Với việc cựu thủ tướng Thái Lan, Thaksin Shinawatra mua lại Man City đầu hè này, đã có đến 8 trên tổng số 20 CLB dự giải Ngoại hạng mùa tới nằm trong tay các "phú ông" ngoại quốc (7 đội kia là Aston Villa, Chelsea, Fulham, Liverpool, MU, Portsmouth và West Ham).
Song song với sự xuất hiện của các nhà đầu tư ngoài nước Anh trong ít năm trở lại đây, thu nhập từ truyền hình cũng tăng đột biến. Chỉ tính riêng bản hợp đồng bán bản quyền phát sóng các trận đấu giải Ngoại hạng trong 3 năm tới ở châu Á và Trung Đông ký với SKY và Setanta Sports đã mang lại 625 triệu bảng cho 20 CLB tham dự sân chơi này. Khoản tiền đó nâng tổng thu nhập từ lĩnh vực truyền thông lên mức kỷ lục 2.725 triệu bảng, đồng thời biến giải Ngoại hạng trở thành giải VĐQG làm ăn phát đạt nhất thế giới với doanh thu lên đến 1,4 tỷ bảng trong mùa bóng 2006-2007 vừa qua.
![]() |
Nguồn thu khổng lồ từ truyền hình là một "nguyên nhân" dẫn đến cảnh các CLB ở giải Ngoại hạng ráo riết mua sắm. Ảnh: SKY. |
Trở lại với câu chuyện về các nhà đầu tư, bên cạnh Liverpool, Man.City và Thaksin cũng được xem là một trường hợp thú vị. Sau khi mua lại The Citizens với giá 81,6 triệu bảng hồi tháng 6, cựu thủ tướng Thái Lan nhanh chóng mời Sven Eriksson về làm HLV và vung tiền để ông này mua sắm với tham vọng biến đội bóng này thành một thế lực tại giải Ngoại hạng. Tiếp sau khoản 15,7 triệu bảng đổi lấy bộ ba Bianchi, Geovani và Petrov, Thaksin sẽ giải ngân thêm 22 triệu để thâu nạp một loạt tài năng khác như Bojinov, Garrido, Elano...trong ít ngày tới.
Nhưng chừng đó vẫn chẳng thấm vào đâu, nếu so với "hàng xóm" và là nhà ĐKVĐ - Man Utd. Ngay khi HLV Alex Ferguson yêu cầu, gia đình nhà Glazers chẳng buồn đắn đo, chi luôn 50 triệu bảng chỉ để nhà cầm quân này tậu về 3 cái tên: Owen Hagreaves, Nani và Anderson. Chưa hết, hàng chục triệu bảng nữa cũng đang được giải ngân khi Tevez sắp giải quyết xong những vướng mắc với West Ham để gia nhập hàng ngũ các "Quỷ đỏ".
Sự mạnh tay của Liverpool, Man.City hay MU... cũng buộc những đội bóng khác phải móc hầu bao. Nổi tiếng cần kiệm, lại đang nợ chồng chất sau khi xây SVĐ mới, nhưng Arsenal vẫn "cắn răng" bỏ ra 14 triệu bảng để tậu về tay săn bàn gốc Brazil, Eduardo da Silva và hậu vệ người Pháp Bakary Sagna. Trong khi đó, dù không thật sự dư dả, Totteham cũng chịu chơi khi vung xấp xỉ 39 triệu bảng để đổi lấy Darren Bent, Kaboul, Kevin-Prince Boateng và Bale.
Chelsea, sau 3 năm liên tiếp khuynh đảo thị trường chuyển nhượng, đã gầy dựng được một đội hình tương đối có chiều sâu nên chỉ tiêu pha một cách có chừng mực trong mùa hè này. Tính đến nay, họ chỉ mua cầu thủ chạy cánh người Pháp, Florent Malouda từ Lyon với giá 13 triệu bảng, những tân binh còn lại như Pizarro, Sidwell và Ben Haim đều là những bản hợp đồng tự do.
![]() |
Malouda là trường hợp duy nhất mà Chelsea bỏ tiền ra mua trong hè này. Ảnh: AK. |
Nhưng nếu chỉ dựa vào đó để nói "The Blues" đứng ngoài trào lưu "chạy đua vũ trang" thì có lẽ vẫn không chính xác. Đội bóng dưới quyền HLV Mourinho vẫn vung tiền theo cách riêng: tăng lương để giữ chân các trụ cột. Họ gia hạn hợp đồng với thủ quân Terry thêm 5 năm để trung vệ tài ba này trở thành cầu thủ ăn lương cao kỷ lục - 131.000 bảng mỗi tuần. Sau Terry, Lampard cũng nhiều khả năng sẽ được gia hạn hợp đồng và nhận mức lương cao ngất ngưởng tương tự.
Phương Minh