Các ông chủ ở Porsche được cho là đã gửi thư khiếu nại tới những người đồng nhiệm ở Audi, theo Bild. Hãng Đức muốn được bồi thường chi phí trang bị lại cho những mẫu xe máy dầu dùng chung động cơ với Audi và Volkswagen, cũng như các khoản đền bù cho khách hàng và dịch vụ liên quan tới scandal khí thải.
Porsche giống như một đứa con vô tội trước lỗi lầm mà hãng mẹ mắc phải và bị phát hiện từ hai năm trước nhưng vẫn đang buộc Volkswagen và các thương hiệu con phải trả giá.
Hậu quả mà Porsche phải gánh chịu là phải dừng bán Cayenne bản máy dầu đời 2014-2016 tại Mỹ hồi cuối 2015 do động cơ 3.0 TDI chia sẻ với các mẫu xe của Audi và Volkswagen. Lệnh dừng bán, do Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ EPA đưa ra, sau đó được sửa lại, cho phép các đại lý Porsche bán Cayenne máy dầu đã được nâng cấp phần mềm. Mọi chi phí đều do các đại lý Porsche phải chịu.
Tuy nhiên, ở châu Âu, tình huống có chút khác biệt. Vào tháng 7, Bộ Giao thông Đức yêu cầu triệu hồi Cayenne máy dầu, dẫn chứng rằng phần mềm phụ đã sử dụng một "phương pháp tự vệ" không được xe kích hoạt trong điều kiện thực tế. Porsche thừa nhận họ phát hiện ra phần mềm khí thải phụ trên Cayenne máy dầu khi điều tra nội bộ và đồng ý triệu hồi.
Khoản bồi thường mà Porsche yêu cầu chỉ là một phần nhỏ trong khoản chi phí vẫn đang tăng từ scandal khí thải. Cuối tháng 9 vừa qua, Volkswagen thông báo sẽ chi 3 tỉ USD để dàn xếp các vụ triệu hồi cũng như trang bị lại máy móc, phần mềm tại Mỹ, biến tổng hóa đơn của cuộc khủng hoảng xấp xỉ 30 tỉ USD.
Đòi hỏi của Porsche cũng xuất phát ngay sau vụ bắt giữ Wolfgang Hatz, cựu giám đốc phụ trách mảng động cơ tập đoàn Volkswagen, cũng là cựu giám đốc nghiên cứu và phát triển của Porsche.
Hatz được cho là có mối liên hệ mật thiết với cựu chủ tịch VW Martin Winterkorn, người đã từ chức vào 2015 vì sức ép của cổ đông và dư luận. Vị trí cao nhất chịu trách nhiệm nghiên cứu, phát triển động cơ của Hazt vì thế khó thoát khỏi dính líu phần mềm gian lận khí thải giúp xe của VW đủ tiêu chuẩn bán tại Mỹ và châu Âu.
Mỹ Anh