"Người Trung Quốc đã có hành động cực kỳ hung hăng. Người Ấn Độ đã cố gắng hết sức để phản ứng trước điều đó", Pompeo ngày 8/7 nói trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao ở thủ đô Washington.
Tối 15/6, binh lính Ấn - Trung ẩu đả tại thung lũng Galwan, vùng Ladakh, nơi cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Ấn Độ thông báo 20 binh sĩ thiệt mạng, trong khi Trung Quốc thừa nhận có thương vong nhưng không công bố con số. Ấn Độ cho rằng vụ tấn công hôm 15/6 được Trung Quốc lên kế hoạch từ trước. Trung Quốc bác cáo buộc và tuyên bố các binh sĩ Ấn Độ "cố tình khiêu khích" dẫn đến ẩu đả chết người.
Sau vụ đụng độ, hai nước không ngừng đưa quân tăng viện và khí tài hạng nặng lên khu vực biên giới. Ấn Độ và Trung Quốc ngày 6/7 đồng ý rút bớt quân quanh Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), biên giới chưa được phân định rõ ràng, sau các cuộc hội đàm quân sự và ngoại giao gần đây.
Sau sự cố với Ấn Độ, Trung Quốc cuối tháng 6 tuyên bố khu bảo tồn động vật hoang dã Sakteng của Bhutan là vùng lãnh thổ tranh chấp, khiến các chuyên gia quốc tế bị sốc. Bhutan bác bỏ yêu sách của Trung Quốc, tuyên bố khu bảo tồn là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Bhutan và chưa từng tranh chấp với bất kỳ nước nào.
Pompeo cho rằng từ căng thẳng ở dãy Himalaya, việc tàu Trung Quốc xâm nhập Vùng Đặc quyền Kinh tế Việt Nam và áp sát nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật trên biển Hoa Đông, có thể thấy Bắc Kinh "thường xuyên kích động tranh chấp lãnh thổ". "Thế giới không nên để hành vi bắt nạt này xảy ra hay để nó tiếp diễn", Pompeo nói.
Quan hệ Mỹ - Trung xuống mức thấp nhất trong nhiều năm khi hai nước đang tranh cãi về Covid-19 và Hong Kong. Chính quyền Trump nhiều lần cáo buộc Trung Quốc không minh bạch, ảnh hưởng tới công tác chống dịch của nước khác trong khi Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc này. Washington chỉ trích Bắc Kinh đã tước đi quyền tự trị của Hong Kong trong khi Trung Quốc yêu cầu Mỹ không can thiệp nội bộ.
Các chuyên gia nói rằng Ấn Độ có mối quan hệ ngày càng thân thiết với Mỹ nhưng họ không muốn bị coi là đi theo sự dẫn dắt của Washington về các vấn đề liên quan đến chủ quyền của chính mình. Tổng thống Mỹ Trump đã đề nghị hòa giải giữa Ấn Độ và Trung Quốc nhưng các quan chức ba nước không cung cấp thông tin chi tiết về vấn đề này.
Phương Vũ (Theo AFP)