* Trận Tottenham - Arsenal diễn ra lúc 19h45, giờ Hà Nội, hôm nay 5/3. Trực tuyến trên VnExpress.
Mấy năm trước, Southampton tung ra một đoạn video. Trong đó, Pochettino đang chơi trò bóng đá tennis với Luke Shaw (một người được dùng hai chạm để đưa quả bóng sang bên kia) trên sân tập. Trong khi Shaw tỏ ra thoải mái, thậm chí lơ đãng, Pochettino rất nghiêm túc. Ông hét: "Tiếp nào! Tiếp nào!" khi đã đá thành công quả bóng sang bên kia lưới, ông gầm lên: "Không!" khi đá hỏng. Khi kết thúc trò chơi và biết ông thắng, Pochettino quỳ xuống, mừng như thể vừa đoạt một chiếc Cup.
Đấy là Pochettino, một con người tận tâm với tất cả mọi thứ ông làm. Khi phóng viên hỏi ông vì sao lại cứ nhấp nhổm bên đường piste và hò hét suốt cả trận như thế, Pochettino đáp lại: "Làm gì có, tôi thấy mình vẫn cư xử bình thường mà". Những người bất thường luôn bảo rằng họ... bình thường như thế.
Pochettino, thuở còn là một cầu thủ, nổi tiếng đá lăn xả, cuồng nhiệt. Ông không có cái khoan thai, đĩnh đạc của những trung vệ hàng đầu, nhưng lại có cái quyết liệt khiến mọi tiền đạo phải run sợ. Khi đã trở thành HLV, ông vẫn giữ thói quen làm việc với tất cả sức lực như thế. Ông đến sân tập lúc bảy giờ sáng và ra về vào tám giờ tối. "Cuộc đời tôi là đi từ khách sạn đến sân tập và ngược lại," Pochettino tâm sự với BBC. "Nếu bóng đá mà không có thời gian biểu cụ thể, tôi có thể làm việc cả ngày mà không biết mệt".
Các đội bóng ở Anh thường có hai buổi tập một ngày. Pochettino chia ra thành ba buổi. Ông hành xác các cầu thủ trên sân tập để họ có đủ thể lực chạy liên tục suốt 90 phút trong trận đấu. Dani Osvaldo, học trò của Pochettino ở Espanyol, kể lại: "Ông ấy khiến bạn khổ sở như một con chó. Và những lúc ấy bạn chỉ muốn tợp cho ông ta một phát. Nhưng đến Chủ nhật, bạn lại biết ơn Poch vô cùng, vì những bài tập đã phát huy tác dụng".
Thành công đã theo chân Pochettino đến mọi nơi, từ Espanyol, Southampton đến Tottenham. Nhưng ông chưa từng nhận công lao về bản thân. Ông chỉ dám nhận góp 1% công sức, 99% còn lại đến từ sự hy sinh của cầu thủ. Tạp chí Argentina El Grafico từng có một bài phỏng vấn dài về ông, chỉ để hỏi vì sao Pochettino... lười trả lời phỏng vấn đến vậy. Ngay tại Argentina quê hương, rất ít người biết nhiều về ông. "Những lời khen khiến tôi cảm kích, nhưng tôi thích họ khen đội bóng của tôi hơn," Pochettino nói. "Các giải thưởng cá nhân không có gì quan trọng với tôi".
Pochettino thậm chí còn không cần một người đại diện. Khi nhìn vào bản hợp đồng làm việc, ông chỉ quan tâm đến những điều kiện làm việc chứ không chú ý đến mức lương. Được làm việc, với Pochettino, đã là hạnh phúc. Thế nên dù đang là HLV "hot" nhất nước Anh hiện tại, Pochettino cũng không khiến cho ông chủ Daniel Levy lo âu. Bởi Levy hiểu rõ một điều: chừng nào Pochettino còn yêu cái không khí trẻ trung sôi động ở Tottenham, chừng ấy không ai có thể kéo HLV này ra khỏi White Hart Lane được. Ông là người vạch ra một chiến lược, ông không bao giờ bỏ dở giữa chừng. Ông không đứng núi này trông núi nọ.
Không người đại diện, không quảng cáo, không mạng xã hội và chỉ trả lời phỏng vấn khi không thể từ chối, Pochettino có cái thâm trầm của một người già trước tuổi. "Tôi không cần 500.000 người theo dõi mình trên mạng để thấy hạnh phúc," Pochettino nói trên El Grafico. Lorena Gonzelez, một nhà báo Argentina đã theo dõi Pochettino từ tận những ngày mới khởi sự huấn luyện, cho biết: "Poch là một con người làm việc theo phương pháp, cực kỳ đúng giờ, vô cùng tỉ mỉ. Trong công việc, ông ấy gần như một người cuồng tính. Có cá tính mạnh mẽ, ông ta luôn nghi ngờ mọi thứ. Nhưng một khi Poch đã tin bạn, ông ấy sẽ không bao giờ để bạn thất vọng".
Một trong những người mà Poch tin tưởng như thế là Marcelo Bielsa. Họ gặp nhau lần đầu tiên tại nhà của Pochettino ở Argentina. Bielsea khi đó đi cùng người đồng nghiệp Jorge Griffa, năm ấy Pochettino mới 14 tuổi. "Công việc của tôi khi đó là đến trường và đá bóng với bạn bè, cứ thế lập đi lập lại", Pochettino nhớ lại khi trả lời BBC. "Ngày ấy nhà tôi rất nghèo, không đủ tiền mua TV".
Vì quá thương con, bố mẹ Pochettino quyết định mua một chiếc TV trắng đen đời cũ, chạy bằng năng lượng từ bình ắc quy của một chiếc máy cày. Từ chiếc TV ấy, Pochettino được nhìn thấy Daniel Passarella và Mario Kempes mang Argentina đến chức vô địch World Cup đầu tiên trên sân nhà vào năm 1978.
Trở lại cuộc viếng thăm của Bielsa và Griffa nêu trên, cậu bé Pochettino hoàn toàn không biết hôm ấy là ngày đổi đời của cậu. Lúc đó mới... một giờ sáng và cậu bé 14 tuổi đang ngủ. "Tôi nom cậu bé ra dáng cầu thủ lắm," Bielsa nói với bố mẹ ông. Và rồi họ nói chuyện luôn về hợp đồng đào tạo.
Thu dọn hành trang, Pochettino rời gia đình, dời vào sống ở nhà trọ, trải qua biết bao đêm thao thức trong khi bạn bè cùng trang lứa được ngủ trong mái ấm với bố mẹ. Pochettino sau này nhớ lại thời gian ấy: "Đấy là thời gian khó khăn, nhưng tôi cảm thấy mình thật may mắn. Bielsa và những người khác có ơn với tôi và tôi không bao giờ quên điều đó. Còn những khó khăn trong cuộc sống, bạn phải học cách thích nghi với nó. Nếu cuộc đời ta toàn là hỉ sự, ta không thể trưởng thành. Khó khăn làm nên một người đàn ông".
Pochettino ngạc nhiên vì Bielsa đã đến. Nhưng những người biết Bielsa thì không. Là con của một gia đình có truyền thống mấy đời làm luật sư và chính trị gia, Bielsa có năng lực lãnh đạo bẩm sinh. Ông có khả năng nhìn người tuyệt vời và sinh ra để làm một HLV. Ông chấm dứt sự nghiệp thi đấu khi mới 25 tuổi để xin làm HLV của một trường đại học. Theo nhà báo Jonathan Wilson viết cho tờ Eight by Eight thì ở tuổi 25, ông đã rà soát tổng cộng là 3000 cầu thủ trước khi tuyển chọn một đội ngũ gồm 20 người. Khi người ta hỏi Bielsa nghỉ Giáng sinh thế nào, ông vạch ra một thời khóa biểu gồm hai tiếng đồng hồ tập thể dục và 14 tiếng xem băng ghi hình phân tích trận đấu.
Chỉ hai năm sau khi trở thành HLV của trường đại học, ông được nhận vào làm đội trẻ của Newell’s Old Boys. Đúng nghề ông thích, Bielsa đã đi ngang dọc Argentina để săn những tài năng trẻ về cho đội. Chiếc FIAT 147 cà tàng của ông đã phải đi 5000 dặm chỉ trong vòng mấy tháng.
Năm 1990, Bielsa lên chức HLV trưởng của Newell’s, sáng tạo ra một phong cách huấn luyện hoàn toàn mới, có chút ảnh hưởng bởi bóng đá tổng lực của Ajax những năm 1970. Nếu xét về danh hiệu, Bielsa không phải là một người hàng đầu. Nhưng ông lại là một nhà tiên phong, tạo ảnh hưởng rộng lớn lên những HLV lừng lẫy sau này, từ Pep Guardiola đến Jorge Sampaoli cho đến Gerardo Martino. Bielsa như một nhà truyền giáo, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Một lần nọ, Pochettino ghi bàn từ một cú đánh đầu, rốt cục chỉ để bị Bielsa chê trách vì... đứng sai vị trí.
Pochettino lớn lên cùng một vị thầy hà khắc như thế, hỏi sao ông không bị ảnh hưởng và suy nghĩ như một ông cụ non. Trong một lần đến Colombia đá một trận tại Copa Libertadores, Pochettino phải chứng kiến quang cảnh hãi hùng khi CĐV trên khán đài ném mọi thứ họ có xuống sân để bày tỏ sự phẫn nột. Một cầu thủ rách toạc đầu, phải khâu ngay trên sân. Một lần khác, xe bus của Newell's bị đội khách ném đá tơi bời, buộc cả đội phải rạp mình xuống sàn. "Đôi khi, chúng tôi cũng sợ chết," Pochettino nói.
Những biến cố ấy giúp ông cứng rắn và trưởng thành. Thành ra khi sang Pháp, Anh rồi Tây Ban Nha thi đấu, Pochettino không cảm thấy sợ hãi gì nữa. Một người đã từng bước qua cửa tử, còn gì khiến họ sợ hãi nữa đâu. Trong cái đêm Colombia mà khán giả ném mọi thứ nêu trên, Pochettino ghi bàn để giúp Newell's giành lấy một trận hòa, rồi đi tiếp sau loạt sút luân lưu. Họ thua Sao Paulo ở trận chung kết, ngay sau đó Bielsa từ chức.
"Tôi không giấu diếm ảnh hưởng lớn của Bielsa lên mình," Pochettino nói với FIFA hồi 2011. "Ông ấy giúp tôi trưởng thành, ông ấy cho tôi đến Newell's, ông ấy giúp tôi ở đội tuyển, ông ấy cho tôi lời khuyên khi tôi khởi nghiệp HLV ở Espanyol".
Trong thời gian Pochettino ở Espanyol, họ trở thành ông kẹ của những đại gia. Cách các cầu thủ Espanyol chạy như những chú sói trên thảo nguyên khiến các đại gia run sợ. Ba năm ở đó, Pochettino biến Espanyol từ một đội bóng ngập nợ, mùa nào cũng bán ngôi sao trở thành một đội cạnh tranh suất dự Cup châu Âu thường xuyên. Ba năm ở đó, Pochettino đánh bại Barcelona của Pep Guardiola nhiều hơn bất kỳ ai trên toàn châu Âu.
Cái uy của Pochettino toát ra rất tự nhiên. Bởi khi còn là cầu thủ, đi đến đâu anh được bổ nhiệm làm thủ quân ở đó, từ Espanyol cho đến Paris Saint Germain. Pablo Zabaleta, ngôi sao của Man City hiện tại và là đồng đội cũ của Pochettino ở Espanyol nói: "Tôi biết thế nào anh ấy cũng trở thành HLV giỏi. Anh ấy vẫn hay tranh luận tay đôi với các HLV về chiến thuật mà không hề thua sút".
Pochettino được gán biệt danh là "Cảnh sát trưởng của Murphy" chính là bởi cái uy không cần la hét ấy. Sau khi giải nghệ cầu thủ, Pochettino không lên truyền hình làm bình luận, chả đánh golf cho quên sầu. Ông lao ngay vào học quản trị kinh doanh. Khi còn là cầu thủ, ông đã tính nước đi tiếp theo cho bản thân.
Và vì là một cầu thủ không có thiên bẩm tự nhiên, mà thành công nhờ nỗ lực, Pochettino cũng trân trọng giá trị của lao động khi đã là HLV. "Tôi không quan tâm cầu thủ tên gì, nổi tiếng hay không. Tôi đòi hỏi ở bản thân rất nhiều khi là cầu thủ, giờ thì tôi cũng đòi hỏi cầu thủ của mình như thế", ông nói. Ông thẳng tay tống thủ quân, thần tượng của Espanyol khi ấy, Raul Tamudo lên ghế dự bị vì anh lười chạy.
Thời gian đầu, cầu thủ Espanyol chưa thật sự hiểu ý nghĩa của sự quyết liệt mà Pochettino đòi hỏi. Kết quả là CLB xứ Catalan trở thành đội bóng xấu chơi nhất nước. Khi Pochettino rời khỏi đó, "thành tích" của Espanyol sau ba năm là 12 thẻ đỏ và 43 thẻ vàng. Ông rút kinh nghiệm sau khi sang Anh, ông nhồi thể lực ngày từ đầu để cầu thủ không bị đuối khi phải chạy liên tục suốt 90 phút, không bị thất thế khi tranh chấp tay đôi và lãnh nhiều thẻ phạt không đáng nữa.
Và cách chơi ấy thành công thế nào, chúng ta giờ cũng đã thấy. Khi rời khỏi Southampton, Pochettino để lại một tập thể mạnh hơn hẳn trước khi ông tới, với nhiều cầu thủ trẻ và nền tảng thể lực sung mãn. Thần tượng lớn của Southampton Matthew Le Tissier nói về Pochettino: "Ông ấy không phải là người dễ gần". Pochettino thì nói: "Tôi phải hy sinh sự dễ thương của bản thân để đội bóng của tôi tốt lên. Ai bảo tôi là độc tài, là ác quỷ, cũng được, miễn là đội bóng tốt hơn".
Ông từng buộc cầu thủ bước chân trần lên trên than nóng. "Nếu các cậu biết cách bước, than nóng sẽ không còn nóng nữa," ông nói. Rickie Lambert thì nói: "Đấy thực ra chỉ là phần dễ dàng nhất, ông ta còn bắt chúng tôi làm những việc điên hơn".
Rồi Pochettino mang triết lý ấy đến Tottenham và thay đổi hoàn toàn diện mại đội bóng này. Ông thẳng tay thải loại những ngôi sao, dù đó là Emmanuel Adebayor hay Andros Townsend để bảo vệ kỷ cương đội bóng, ông đôn những cầu thủ trẻ lên vì họ quyết tâm hơn những cầu thủ đánh thê. Ông truyền bản sắc đến đội bóng thiếu bản sắc nhất Anh quốc. Ông xới tung tất cả, ông đập vỡ những bức tường. Ông vẫn chưa có nhà mà phải lưu trú ở khách sạn, gia đình ông vẫn ở lại Barcelona. Ông chưa mang họ sang Anh, chưa thể an cư vì... không có thời gian cho việc ấy. Ông nói thứ tiếng Anh rất sõi, nhưng vì sợ cầu thủ hiểu lầm những chi tiết nhỏ nhất nên vẫn phải dùng phiên dịch, dù thỉnh thoảng ông chỉnh người phiên dịch ấy vì dịch... chưa chuẩn lắm.
Đêm nay, khi Tottenham gặp Arsenal, đấy sẽ là cuộc canh tranh giữa hai cá tính tương tự nhau, nhưng bị xô lệch bởi tuổi đời. Wenger cũng yêu bóng đá và cuồng công việc đến quên cả gia đình, nhưng tuổi già khiến ông thận trọng, trong khi ở tuổi trẻ hơn, Pochettino đang vùng vẫy, mạnh mẽ và quyết liệt. Wenger như một chú sư tử già đàng nuối tiếc hoàng kim, Pochettino như một con báo đang điên cuồng chạy trên hoang mạc. Với Wenger, không vô địch mùa này là một thất bại. Với Pochettino, có mặt trong "Top 4" đã là thành công. Trước trận đấu, Pochettino gọi Arsenal là đội bóng đá đánh mất khát vọng trong những trận cầu lớn. Tottenham thì ngược lại, đang căng tràn sức sống.
Pochettino chưa chắc thắng được kinh nghiệm của Wenger, nhưng khi Wenger nhìn sang anh chàng hậu bối nhấp nhổm bên kia đường pitch, có lẽ ông sẽ có một ước mơ muôn đời của đời người: "Giá mình còn trẻ, như năm cũ".
Hoài Thương