Hệ thống chiến thuật tương phản
Làm khách tại Stamford Bridge, HLV Pep Guardiola gây bất ngờ khi sử dụng năm cầu thủ có thiên hướng tấn công là Bernardo Silva, Jeremy Doku, Julian Alvarez, Phil Foden và Erling Haaland. Nhưng chính quyết định này đã khuyến khích Chelsea chơi phòng ngự - phản công, còn Man City phải lùi về theo chiều ngược lại. Việc một mình Rodri quán xuyến tuyến giữa khiến Man City lộ nhiều khoảng trống cho Chelsea khai thác.
Phía đối diện, HLV Mauricio Pochettino sử dụng hệ thống 4-2-3-1 hẹp với hai cầu thủ chạy cánh bó vào trung lộ, giúp khu vực trung tâm của đội chủ nhà chiếm ưu thế về quân số.
Bên dưới là biểu đồ "vị trí trung bình", qua đó cho thấy sự tương phản trong lối chơi của hai đội. Hãy nhìn vào không gian lớn xung quanh Rodri (số 16) và hệ thống bó hẹp của Chelsea.
Nhiều pha phản công của Chelsea là kết quả từ việc các cầu thủ chỉ đơn giản tràn qua những khoảng trống xung quanh Rodri, nhất là khi hậu vệ phải Reece James (số 24) - trong nhiều thời điểm - nhận thấy khoảng trống, bó vào trung lộ để áp đảo về quân số.
Chính pha tấn công như vậy đã mang về bàn thứ hai cho Chelsea, khi Palmer dẫn bóng sang biên phải, khai thác khoảng trống từ việc Guardiola không sử dụng tiền vệ trung tâm đá cặp với Rodri. Manuel Akanji đóng vai trò thay John Stones bị chấn thương, dâng lên tuyến giữa khi Man City kiểm soát bóng nhưng phải lùi về hàng thủ khi Chelsea tấn công.
Trong tình huống này, Ruben Dias phải lùi về khi Palmer dốc bóng, còn xung quanh Rodri (khoanh đỏ trong hình bên dưới) có nhiều khoảng trống với những cầu thủ Chelsea đang băng lên.
Sự tương phản trong hệ thống chiến thuật tạo ra thế trận mở. Chelsea chiếm thế thượng phong trong thời gian dài của trận đấu nhờ những pha phản công sắc bén, và Man City không thể kiểm soát thế trận như mong muốn.
Khoảng trống cho Foden và Doku
Không kiểm soát được thế trận hay triển khai các đợt tấn công từ giữa sân, nhưng Man City vẫn tạo khác biệt, nhờ Jeremy Doku và Phil Foden.
Ở bàn thắng đầu tiên, Doku tranh chấp với hai cầu thủ Chelsea, rồi Bernardo Silva thoải mái tạt từ cánh trái về cột xa, nơi Erling Haaland tranh chấp với Marc Cucurella và mang về quả phạt đền. Tương tự, ở bàn thứ hai, Doku đi bóng bên cánh trái mang về quả phạt góc. Bóng lại được trả ra để Silva tạt cho Manuel Akanji đánh đầu quân bình tỷ số 2-2.
Man City duy trì cách chơi này để tiếp tục ghi bàn nâng tỷ số lên 3-2 đầu hiệp hai. Foden chồng biên để Julian Alvarez băng xuống bên cánh phải, vượt mặt Cucurella và căng sệt vào vòng cấm, nơi Haaland kết thúc cận thành.
Đây là nhược điểm trong sơ đồ 4-2-3-1 hẹp của Chelsea. Với hệ thống này, dù có thể tấn công trung lộ nhiều đến mức nào, họ vẫn liên tục lộ quá nhiều khoảng trống ở hai biên để Man City khai thác.
Khác biệt từ băng ghế dự bị
Dù liên tục vượt lên trong 30 phút cuối, Man City không thể kiểm soát thế trận bởi loạt thay đổi hiệu quả của Pochettino. HLV người Argentina tung Mykhailo Mudryk và Malo Gusto vào sân từ phút 64. Hai quyết định này không thay đổi đội hình, nhưng đưa Gallagher từ cánh phải - nơi anh đá từ sau giờ nghỉ, hoán đổi vị trí với Palmer - về vai trò tiền vệ trung tâm lùi sâu.
Tại đây, Gallagher giành quyền kiểm soát bóng và phân phối sang cánh trái, trước khi dâng cao nhận lại bóng và nã đại bác từ ngoài vòng cấm khiến Ederson không thể bắt dính. Từ pha bóng bật ra, Nicolas Jackson ập vào đá bồi gỡ hòa 3-3.
Man City tái lập thế dẫn bàn nhờ cú đá đập người đổi hướng của Rodri, nhưng sau đó Pochettino lại thực hiện một sự thay đổi người muộn khác giúp ấn định tỷ số hòa. Đó là việc Armando Broja vào sân và chủ nhà chuyển sang đội hình 4-2-4.
Sự thay đổi người này khiến các hậu vệ Man City bối rối, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến quả phạt đền. Jackson chạy chỗ hút hậu vệ và Broja băng vào trong khoảng trống, buộc Dias phải phạm lỗi. Trên chấm 11m, Palmer không bỏ lỡ thời cơ gieo sầu cho CLB cũ.
Guardiola không thay đổi hệ thống
Trái ngược với Pochettino, những thay đổi của Guardiola hầu như không phát huy tác dụng. Việc Man City để các trận đấu trở nên cởi mở và mang tính giải trí như vậy là rất kỳ lạ. Như chính Rodri thừa nhận sau trận rằng việc CLB mắc nhiều sai lầm cá nhân và nhận tới bốn bàn thua trong một trận là điều bất thường.
Sau cách tiếp cận sai lầm, Guardiola lần đầu điều chỉnh ở phút 59, đưa Jack Grealish vào thay Doku. HLV Tây Ban Nha muốn tận dụng lối chơi rê bóng chậm hơn của Grealish để giúp Man City hạ nhịp và kiểm soát trận đấu tốt hơn.
Quyết định này không mang lại hiệu quả, thậm chí dường như còn giúp ích cho Chelsea vì Grealish gặp khó trong việc bắt nhịp với nhiệm vụ phòng thủ. Trước khi Chelsea được hưởng quả phạt đền ở phút bù thứ tư, Guardiola đã mắng tiền vệ người Anh vì bảo vệ sai khoảng trống, để đồng hương Sterling băng lên và lao vào một phần ba cuối sân.
Thay đổi còn lại của Guardiola đến ở phút 74, khi Mateo Kovacic thay cho Alvarez, cũng nhằm hạ nhịp trận đấu. Tuy nhiên, tiền vệ Croatia vẫn được bố trí đá cao hơn, thay vì thi đấu bên cạnh Rodri, đồng nghĩa với lối chơi phản công của Chelsea không bị ảnh hưởng.
Ở bàn thua thứ tư, Kovacic dâng cao hơn hẳn so với Rodri (cả hai đều được khoanh tròn), tạo ra khoảng trống cho Sterling xộc thẳng vào trung lộ rồi chuyền cho Broja mang về quả phạt đền.
"Đây là bàn thắng tổng kết trận đấu: Chelsea chạy không ngừng nghỉ, dồn dập, tấn công theo đường thẳng, còn Man City quá tận tâm với niềm vui", trang chủ Ngoại hạng Anh bình luận.
Hồng Duy