Lần đầu Fortune công bố danh sách 500 công ty hàng đầu Đông Nam Á, gồm các tập đoàn từ bảy quốc gia. Bên cạnh tiêu chí về quy mô doanh nghiệp, giá trị đóng góp cho nền kinh tế, tạp chí đánh giá cao tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của PNJ và các đơn vị được xướng tên.
Ông Khoon-Fong Ang, Giám đốc Vận hành Fortune châu Á, cho biết: "Sau 70 năm xuất bản Fortune 500, chúng tôi giới thiệu độc giả quốc tế hạng mục Fortune Southeast Asia 500. Với danh sách mới, ban tổ chức đặc biệt chú ý câu chuyện tăng trưởng ấn tượng của Đông Nam Á và loạt công ty lớn đã thúc đẩy sự phát triển đa dạng nền kinh tế khu vực".
Cụ thể, Fortune chỉ ra năm 2023, doanh thu thuần PNJ đạt 33.137 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.971 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay, phá kỷ lục 1.811 tỷ đồng hồi 2022.
Theo tạp chí, tại Việt Nam, PNJ liên tục tăng trưởng, chiếm lĩnh thị phần và mở rộng mạng lưới bán lẻ ở 55/63 tỉnh thành, với hơn 400 cửa hàng. Giá trị thương hiệu hiện 428,43 triệu USD, tăng 17% so với 2022 và tăng 44% hồi 2020 (số liệu từ Brand Finance).
Giai đoạn từ 2018-2023, PNJ triển khai nhiều chiến lược, kết quả kinh doanh liên tục phi mã. Tổng lợi nhuận sau thuế đạt 8.033 tỷ đồng, giá trị vốn hóa tăng trưởng gấp đôi, khoảng 17.000 tỷ đồng (không bao gồm đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ).
Trên trang chủ, Fortune nhấn mạnh năm qua, kinh tế vĩ mô biến động mạnh ảnh hưởng nặng nề sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp. Thực tế, không ít công ty lớn phải đóng cửa sau đại dịch Covid-19 lẫn diễn biến địa chính trị. Do đó, vào top Fortune Southeast Asia 500 là sự ghi nhận nỗ lực của tập thể PNJ.
Ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PNJ, khẳng định thay vì phòng thủ, doanh nghiệp chọn "tấn công" trong bối cảnh thị trường đối mặt loạt rào cản, áp lực.
"Giữa những thế trận khó khăn, chúng tôi liên tục sáng tạo, tiến công để xuyên khó nhằm mang lại giá trị cho người lao động, các bên hữu quan và cộng đồng", ông Thông cho hay.
Theo đại diện PNJ, để thúc đẩy hành trình xanh hóa nền kinh tế, họ chú trọng tài chính xanh, xem đó là thiết yếu trong triển khai chiến lược tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững.
"Nói cách khác, phát triển kinh tế xanh dựa trên các trụ cột chính: sản phẩm tài chính xanh, các định chế tài chính xanh, thị trường tài chính xanh", đại diện PNJ nói.
Fortune cho rằng trong ba thập niên, "con tàu PNJ tăng tốc dũng mãnh". Nhất là từ 2012 - mốc chuyển đổi mô hình từ đơn vị sản xuất kinh doanh vàng bạc đá quý sáng nhà bán lẻ trang sức.
Ban lãnh đạo cũng đưa ra định nghĩa "bán lẻ mới", tức mối quan hệ giữa doanh nghiệp với khách hàng, mang đến sự hài lòng ở mọi "điểm chạm" trong trải nghiệm mua sắm.
Để hoàn thành mục tiêu trên, ban lãnh đạo chủ trương ứng dụng công nghệ mới vào mọi hoạt động. Điển hình, đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào quá trình sản xuất, lắp hệ thống camera tích hợp AI tại cửa hàng nhằm thu thập, cung cấp dữ liệu cho công tác phân tích hành vi khách hàng.
Bên cạnh đó, công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) được ứng dụng nhằm phân tích xu hướng tiêu dùng, cải tiến hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (CRM).
Chiến lược điện toán đám mây (Cloud) mang tính ứng dụng cao, tối ưu chi phí, gia tăng hiệu suất bán hàng gần 200%, đồng thời khiến hàng nghìn nhân viên PNJ yên tâm phục vụ khách.
"Cloud thúc đẩy tiến trình số hóa, tối ưu hóa các nguồn lực, hoàn thiện mô hình bán lẻ hiện đại và tiến đến phát triển bền vững", đại diện đơn vị nói thêm.
Trước đó, tạp chí Fortune vinh danh top 500 tập đoàn hàng đầu thế giới, áp dụng cách đo lường hiệu quả hoạt động doanh nghiệp qua loạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt về tài chính lẫn báo cáo đã được kiểm toán và công bố, hàng năm.
Hoàng Trường