Dự án do PNJ và Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam đồng khởi xướng trong 5 năm (2018-2023). Theo bà Trần Phương Ngọc Thảo - thành viên HĐQT PNJ, Trưởng tiểu ban ESG, dù có thời điểm bị ảnh hưởng bởi Covid-19, ban tổ chức luôn chủ động phối hợp với các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên nòng cốt, chuẩn hóa kiến thức giúp trẻ rối loạn phổ tự kỷ sớm hòa nhập cộng đồng.
Cụ thể, 109 giáo viên nòng cốt tại 82 trung tâm ở 37 tỉnh, thành phố liên tục trải qua các lớp tập huấn tập trung hàng năm nhằm nâng cao kiến thức. Đồng thời, hơn 4.500 giáo viên, kỹ thuật viên cũng được bồi dưỡng online hàng tháng.
Ban tổ chức đã phát hành bộ tài liệu định hướng kiến thức phục hồi chức năng, hỗ trợ can thiệp hành vi, hình ảnh, kỹ năng tự phục vụ cho trẻ tự kỷ. Hàng nghìn gia đình khó khăn có cơ hội tìm hiểu thông tin, tự ứng dụng khi chăm sóc con tại nhà.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó giám đốc Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam cho biết tới nay, hơn 10.000 phụ huynh, người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ tự kỷ được hưởng lợi, tiếp cận dự án. Trong đó, hoạt động tập huấn online trên Fanpage Chong chóng sắc màu thu hút hàng trăm nghìn người học, tìm kiếm bài viết chuyên sâu. Riêng năm 2022 có gần 500.000 lượt quan tâm, khai thác thông tin.
"Việc tăng cường hiểu biết của cộng đồng, phối hợp giữa Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các đơn vị chuyên môn góp phần giảm sự kỳ thị, phân biệt với trẻ đặc biệt. Qua loạt chiến dịch truyền thông, các gia đình lẫn cá nhân, xã hội dần nâng cao nhận thức, trang bị thêm thông tin cơ bản về trẻ tự kỷ", bà Hiền nói.
Bà Hiền chỉ ra nhiều phụ huynh đã nhìn nhận thấu đáo, không tự ti khi nói đến vấn đề trẻ có rối loạn phổ tự kỷ. Đa số bố mẹ chủ động tìm thông tin qua các kênh tin cậy, đưa trẻ có biểu hiện đi đánh giá để bác sĩ chẩn đoán xây dựng liệu pháp can thiệp trong "độ tuổi vàng" (dưới 3 tuổi). Từ dự án, nhiều trường hợp có cơ hội học tiền tiểu học, chuẩn bị cho giai đoạn mới, được đến trường như các bạn khác.
Phó giám đốc Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam tiết lộ hơn 4.000 trẻ tự kỷ ở trung tâm cùng nhiều trường hợp khác trong cộng đồng có định hướng phát triển nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia giáo dục đầu ngành, y tế, nhất là ứng dụng kiến thức chuyên sâu (gồm tài liệu hỗ trợ phục hồi chức năng, phụ san hình ảnh).
Bà Trần Phương Ngọc Thảo nhấn mạnh PNJ kiên trì với dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam", xem đó là hoạt động trọng yếu thể hiện rõ triết lý "đặt lợi ích xã hội và lợi ích khách hàng vào lợi ích doanh nghiệp" và văn hóa "phụng sự xã hội".
Năm 2023, hoạt động trọng tâm của dự án là tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho giáo viên, kỹ thuật viên nguồn về chuyên đề can thiệp hành vi, hỗ trợ trẻ tiền tiểu học.
Ban tổ chức sẽ ra mắt tài liệu hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ, phát hành bổ sung hai cuốn phụ san hình ảnh; truyền thông nâng cao nhận thức tại các khu công nghiệp, tỉnh, thành có mật động dân số cao, nhiều người lao động di cư. Bên cạnh đó đánh giá kết quả, hiệu quả dự án sau 5 năm và hỗ trợ trực tiếp các gia đình khóa khăn có trẻ rối loạn phổ tự kỷ.
5 năm qua, với kinh phí 10 tỷ đồng và quyên góp thêm 4,4 tỷ đồng, PNJ liên tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ trẻ tự kỷ tại Việt Nam. Do đó năm 2022, doanh nghiệp được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vinh danh xuất sắc trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Ngoài ra, đơn vị còn triển khai, đồng hành với các dự án "Siêu thị mini 0 đồng", "Mái ấm niềm tin", hỗ trợ gần 2.000 thai phụ khó khăn trong chương trình "Đồng hành vượt cạn"...
Hiếu Châu (ảnh: Đỗ Trường)