Hưng Phùng sinh năm 1990, làm trong ngành Truyền thông tại Hà Nội. Thích khám phá những vùng đất mới và nhiếp ảnh, Hưng thường chọn du lịch một mình để tự lên lịch trình và dành thời gian tìm hiểu văn hóa địa phương. Những ngày ở Pleiku, Hưng đi vòng quanh thành phố, khu ngoại thành, huyện Chư Păh và đến núi lửa Chư Đăng Ya. Trước chuyến đi, Hưng đọc một số bài viết về địa điểm du lịch Pleiku, sau đó liệt kê địa điểm phù hợp và thấy hứng thú nhất để đi. Để tiết kiệm thời gian, Hưng thường ghi lại địa chỉ cụ thể, phương tiện di chuyển và những lưu ý khi đến những địa điểm đó. Trong ảnh, Hưng đang đứng ở núi lửa Chư Đăng Ya. Miệng núi lửa Chư Đăng Ya đã ngừng hoạt động, được người dân khai thác làm nương rẫy. Thời điểm Hưng đến thăm cả ngọn núi lộ ra màu đất đỏ bazan cùng những dãy hoa cúc dại hai bên. "Tôi nhớ khi leo lên đến đỉnh thì có thể nhìn bao quát toàn cảnh thành phố phía xa và và huyện Chư Păh phía dưới. Khung cảnh thật hùng vĩ", chàng trai sinh năm 1990 chia sẻ. Trong ca khúc "Đôi mắt Pleiku" Hưng từng nghe có nhắc đến Biển Hồ. Trước khi đặt chân tới đây, chàng trai 9X vẫn chưa hiểu hết vẻ đẹp nhạc sĩ Nguyễn Cường miêu tả. Khi được tận mắt nhìn ngắm, Hưng như lặng đi. Mặt nước xanh như ngọc bích, xung quanh là những cây thông thẳng tắp tạo nên cảm giác dễ chịu và tươi mát. Đến Biển Hồ, chàng trai yêu du lịch cũng dành thời gian lang thang trên đồi thông để ghi lại những bức ảnh đẹp. Nhờ có đất đỏ bazan màu mỡ và khí hậu ôn hòa nên những rừng thông ở đây xanh tốt, có rêu phong phủ đầy tạo nên khung hình như rừng bạch dương ở Nga. "Nếu đến Pleiku nên thuê xe máy và tự đi đến các điểm du lịch. Tôi thích đi xe máy ra ngoại thành, ở đó con người rất chân chất và thật thà, nhiều vùng có bà con người dân tộc thì quang cảnh rất đẹp, con người cũng đẹp nữa nên những bức ảnh chụp sẽ có hồn hơn", Hưng nói. Lang thang trong trung tâm thành phố Pleiku, Hưng dành thời gian thưởng thức các món ăn đường phố. Hưng nhớ nhất một quán vỉa hè bán bánh bèo nóng. Bánh đựng trong những chiếc bát nhỏ xíu bằng lòng bàn tay, hoạ tiết đơn sơ mộc mạc, giá 2.000 đồng một bát. Khi ăn bánh nóng hổi, vị đậm đà. Món bánh canh ở Pleiku cũng làm Hưng nhớ nhung khi về Hà Nội. Sợi bánh to, mềm và dai, ăn kèm trứng cút, chả cá, nước lèo đậm đà. Theo Hưng, nếu muốn thưởng thức các món ngon mà rẻ, khách du lịch nên dến chợ Pleiku, vừa thuận tiện cho trải nghiệm ăn uống và di chuyển dễ dàng. Để đến thăm Pleiku với mức giá tiết kiệm, Hưng "săn" vé máy bay giá rẻ từ trước khoảng 2-3 tháng, từ sân bay về thành phố đi xe buýt để tiết kiệm tiền hơn. Vào mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau), di chuyển sẽ dễ dàng và có cơ hội tham gia nhiều lễ hội cuối năm của người Ba Na, Gia Rai. Trong mắt chàng trai sinh năm 1990, Pleiku là nơi mà khách du lịch sẽ nhớ mãi sự chân chất dung dị của người dân, nhớ những đôi mắt lấp lánh, tiếng cười giòn giã. Khi dừng chân thả từng nắm đất đỏ bazan trên ngọn núi lửa đã tắt hay ăn bát bánh canh, bánh khọt đậm vị cay ngon khoan khoái, bạn sẽ tiếc "đứt ruột" lúc trở về. Nha TrangẢnh: Hưng Phùng