Thứ bảy, 25/4/2020, 08:30 (GMT+7)

Báo cáo của công ty nghiên cứu Grand View Research (Mỹ) ghi nhận giá trị thị trường sản xuất panel cách nhiệt toàn cầu năm 2018 là 423,6 triệu USD và dự báo đạt 640,4 triệu USD vào năm 2025. Chỉ số tăng trưởng lũy kế năm CAGR cho giai đoạn 2020-2025 là 6,1% một năm.

Theo đơn vị này, quy mô thị trường ngày càng tăng chứng tỏ sức đón nhận của thị trường. Panel cách nhiệt là vật liệu nhẹ ứng dụng công nghệ cao sở hữu các ưu điểm vượt trội về chỉ số cách âm, cách nhiệt, chống nóng, chống cháy. Đồng thời vẫn đảm bảo trọng lượng nhẹ, đa ứng dụng thi công cho tất cả thiết kế, hoàn thiện tinh giản, đăc biệt tiết kiệm hơn so với các vật liệu xây dựng truyền thống. Khi đưa vào vận hành, vật liệu này cũng là nhân tố lớn giúp các doanh nghiệp (chủ đầu tư) giảm thiểu chi phí trong quá trình vận hành như: điện năng và nhiên liệu cho các hệ thống làm mát, chiếu sáng, công tác bảo trì, bảo dưỡng rạn nứt rêu mốc...  

Việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích tiết kiệm, bền đẹp, tiện dụng, dễ lắp đặt và tái sử dụng lâu dài của vật liệu xây dựng nhẹ công nghệ cao, đa tính năng cách âm, cách nhiệt chống cháy; hoạt động của các chính phủ hỗ trợ xây dựng xanh và sự gia tăng các công trình lắp dựng nhanh dưới thời Covid-19 cũng được nhiều đơn vị báo cáo, nhận định là nguyên nhân ảnh hưởng đến nhu cầu sản phẩm. 

Nhờ các lợi thế này, panel đã trở thành dòng vật liệu chủ đạo cho các công trình công nghiệp, dân dụng tại các quốc gia phát triển như châu Âu, Bắc Mỹ. Tại châu Á Thái Bình Dương, panel cách nhiệt được dự báo sẽ có mức tăng trưởng cao, nhiều nước chú trọng sản xuất và tiêu thụ thực phẩm đóng gói, đòi hỏi các kho lưu trữ lạnh được lắp dựng nhanh và đưa vào vận hành giảm chi phí, theo Grand View Research.

Tuy nhiên, panel cách nhiệt chưa được nhìn nhận đúng tiềm năng tại Việt Nam, theo đánh giá của ông Giáp Văn Thanh – Tổng giám đốc Công ty TNHH Cách âm Cách nhiệt Phương Nam.

Từ những lần trò chuyện với các đối tác là các doanh nghiệp sản xuất, ông chủ doanh nghiệp vật liệu đã nhận ra vấn đề. Thách thức lớn nhất cho panel cách nhiệt ở Việt Nam là tâm lý e dè, nghi ngại những hiệu quả mà vật liệu công nghệ cao mang lại. Các phương pháp xây dựng truyền thống với gạch nung, vữa, sơn đã có hàng mấy chục năm, ăn sâu vào thói quen của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Khi các nhà thầu giới thiệu với họ về những công xưởng theo kiểu lắp ghép, tức dựng kết cấu thép trước và hoàn thiện vật liệu bên ngoài sau, rất nhiều người băn khoăn và tỏ rõ sự hoài nghi.

Về tính hiệu quả đầu tư lẫn thân thiện với môi trường, hai tiêu chí cần có để các doanh nghiệp phát triển bền vững, ông Thanh nhận định những công trình bằng vật liệu truyền thống khó có thể đáp ứng. Trong khi đó, vật liệu công nghệ cao như panel cách nhiệt, tấm lợp sinh thái lại có độ bền cao, chống chịu hàng chục năm trước các tác động của môi trường bên ngoài lẫn hoạt động sản xuất bên trong của doanh nghiệp.

Song song đó, sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng xanh góp phần tiết kiệm tài nguyên, tái sử dụng nhiều lần, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính - nguyên nhân gây biến đổi khí hậu.

Từ thực tế nói trên, ông Giáp Văn Thanh cùng đội ngũ quyết tâm tạo ra sản phẩm phù hợp với khả năng sản xuất của Phương Nam, trong khi vẫn có "đo ni đóng giày" cho các doanh nghiệp Việt. Pisocy Panel ra đời sau nhiều năm năm nghiên cứu để phát triển. Đây thực chất là phiên bản nâng cấp của dòng panel sandwich với hai mặt là hợp kim bọc lõi polyurethane cách âm cách nhiệt.

Sau ba năm cải tiến, Pisocy đến nay đã trở thành dòng sản phẩm chủ lực của công ty này có hệ số cách nhiệt cao, đáp ứng kho lạnh âm sâu lên đến -50 độ C, chống thất thoát nhiệt và không đóng tuyết khi lắp đặt ứng dụng kho lạnh âm sâu. Pisocy Panel cũng đáp ứng chống cháy cấp độ B2, cấp độ EI 60 của Cục PCCC cấp ngày 16/10/2017, có khả năng chịu nhiệt lên đến 150 phút ở nhiệt độ 300 độ C. 

Pisocy Panel được ứng dụng trong nhiều công trình công nghiệp lẫn dân dụng: văn phòng, công xưởng, nhà máy; kho lạnh, kho đông, kho bảo quản thực phẩm, kho dược; tiện ích y tế như phòng mổ, phòng khám, phòng lap, buồng khử khuẩn; công trình thương mại, dịch vụ như phòng chờ, trạm đón khách... đóng vai trò là trần, tường, vách dựng, vách ngăn đạt các tiêu chuẩn phòng sạch GMP, WHO... 

Bên cạnh các tiêu chí về cách nhiệt, chống cháy, tính linh hoạt cũng là lời giải để Pisocy Panel được nhiều nhà thầu chọn làm vật liệu thi công các công trình và dự án lớn. Lợi thế tự trọng nhẹ (tỷ trọng 48kg/m3), dễ thi công lắp đặt, linh hoạt trong thiết kế ứng dụng, dễ phối hợp với vật liệu khác giúp giảm tải trọng kết cấu và giảm lực ép cọc móng có thể đáp ứng cả những khu vực thổ nhưỡng có nền móng yếu. Công tác an toàn khi lắp dựng cho các nhà xưởng cao tầng cũng đảm bảo hơn.

Từ đó đẩy mạnh tiến độ xây dựng lên rất nhanh, chỉ khoảng một phần ba so với các phương pháp xây dựng truyền thống, nhưng cho độ bền công trình đến trên 30 năm. Bên cạnh đó, mức giá thành thi công và hoàn thiện trần, vách cho mỗi công trình chỉ khoảng 1/5 so với phương pháp xây thô thông thường. 

"Để giá thành hợp lý, chúng tôi phải đặt hàng nguyên liệu đầu vào với số lượng lớn để có mức giá tốt. Việc chi hàng chục triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất tại Củ Chi, TP HCM theo công nghệ châu Âu cũng giúp giá thành sản phẩm thấp hơn rất nhiều so với sản phẩm được nhập khẩu từ nước ngoài trên thị trường", ông Giáp Văn Thanh nhấn mạnh.

Lãnh đạo Cách âm Cách nhiệt Phương Nam tin rằng rằng vật liệu cách nhiệt nói chung, và Pisocy Panel nói riêng sẽ trở thành xu hướng chủ đạo của ngành xây dựng, là giải pháp cách nhiệt chống nóng cho công trình trong nhiều năm tới.

Giải pháp thay đổi sẽ đến từ công trình công nghiệp, sau đó lan toả đến các công trình dân dụng, thương mại. Không chỉ đáp ứng về mặt thời gian hoàn thành, về độ bền cao, các vật liệu xanh còn giúp nhà thầu thi công an toàn, chủ đầu tư tiết kiệm chi phí nhân công, chi phí bảo dưỡng, giảm chi phí điện năng trong hoạt động sản xuất, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.

Nội dung: Bảo An - Ảnh: Quỳnh Trần - Thiết kế: Thái Hưng