Yadi, ngư dân sống phía tây đảo Java của Indonesia, ngồi trong căn nhà bên bờ biển và ngắm nhìn khung cảnh yên bình vào tối 22/12. Một cơn gió nhẹ nổi lên và đột nhiên nước biển tràn lên bờ, cuốn theo nhiều người, san phẳng nhà cửa và đẩy những chiếc ôtô vào sâu trong đất liền, theo Reuters.
"Nhiều người hét lên 'chạy đi, chạy đi, sóng thần đang đến'. Tất cả đều hoảng loạn, nhiều người bị bỏ lại phía sau", Yadi nhớ lại, khẳng định có tới ba cơn sóng lớn nối tiếp nhau ập vào bờ biển. Ông và gia đình chỉ kịp chạy lên nơi có địa hình cao, không kịp mang theo thứ gì bên người. Đội tàu cá 6 chiếc của Yadi cũng bị đánh chìm hoặc cuốn ra biển bởi sóng thần.
"Chúng tôi đã mất sạch đồ đạc", Cici Paramita, 27 tuổi, sống cách bờ biển khoảng 50 m, cho biết. Cô phải lội trong dòng nước sâu đến bụng để giải cứu đứa con trai 8 tuổi bị kẹt trong đống đổ nát sau sóng thần.
Nhân chứng Ade Junaedi cho biết ông đã tận mắt chứng kiến sự giận dữ của thiên nhiên. "Nó diễn ra quá nhanh. Vợ tôi mở cửa và đột nhiên hét thất thanh. Tôi nghĩ có một đám cháy, nhưng sau đó bước ra cửa và thấy dòng nước đang ập tới", Junaedi kể lại.
Asep Sunaria đang đi xe máy thì nghe thấy một tiếng "vù" như gió lớn, sau đó một bức tường nước đẩy anh ngã khỏi xe, nuốt chửng ngôi nhà và cả ngôi làng Sukarame ở vùng Nam Lampung trên đảo Sumatra.
"Tôi bị sốc. Không có một dấu hiệu cảnh báo nào. Ban đầu tôi nghĩ đó là triều cường, nhưng mực nước nhanh chóng dâng lên rất cao", Sunaria nhớ lại, cho biết anh và gia đình phải chạy bộ lên chỗ cao.
Tuy nhiên, họ vẫn là những người may mắn chạy thoát khỏi cơn sóng thần do núi lửa Anak Krakatau gây ra tối 22/12. Ít nhất 281 người đã thiệt mạng, 1.016 người bị thương và 57 người vẫn đang mất tích. Nhà chức trách Indonesia cho biết con số nạn nhân vẫn sẽ tiếp tục tăng lên trong những ngày tới.
"Tôi đang tìm những thi thể chưa được phát hiện. Mới có một thi thể được tìm thấy hôm qua, chúng tôi đang đào bới ở những khu vực có thể chôn vùi nhiều người", Sunaria nói.
Nhiều khu vực trên đảo Sumatra vẫn chưa nhận được sự trợ giúp sau hai ngày thảm họa. "Cuộc sống chúng tôi vốn rất khó khăn, chúng tôi quá nghèo và thảm họa này lại xảy ra. Chưa có sự trợ giúp nào, một số người đang dần chết đói", Sunarti, người dân tại làng Sukarame, nói.
Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ xảy ra thêm sóng thần ở eo biển Sunda vẫn rất cao khi núi lửa Anak Krakatau trở nên bất ổn sau đợt phun trào mạnh và có thể tạo ra thêm nhiều trận lở đất dưới lòng biển.