"Một giây lúc này còn quý hơn vàng", bác sĩ Chu Thành Hưng, Trung tâm Phẫu thuật thần kinh I, nói. Bệnh nhân mang thai hơn 8 tháng, bị chấn thương sọ não, mất phản xạ, thang điểm đánh giá ý thức ở mức nguy hiểm. Khám ban đầu, các bác sĩ đánh giá tiên lượng "lành ít, dữ nhiều", bệnh nhân bị hôn mê sâu, nếu tỉnh dậy cũng khả năng di chứng suốt đời.
Xác định phải phẫu thuật nhanh nhất có thể, kíp cấp cứu kích hoạt báo động đỏ, bỏ qua mọi thủ tục hồ sơ, đẩy thai phụ lên phòng mổ. Cùng lúc, hai nhóm mổ lấy thai và mổ não có mặt. Kíp gây mê sẵn sàng thuốc, dịch truyền, băng gạc, dao mổ, máy mài, kim chỉ...
Chưa đến 10 phút, bác sĩ mổ lấy thai bằng kỹ thuật thắt động mạch tử cung, đưa em bé ra ngoài an toàn. Tiếng khóc của trẻ xoa dịu áp lực trong phòng mổ. Lúc này, bác sĩ Trần Đạt tiếp tục chỉ huy ê kíp ngoại thần kinh phẫu thuật cắt sọ, xử lý khối máu tụ lớn ngoài màng cứng. Sau 30 phút, bệnh nhân vượt cửa tử, được chuyển về chăm sóc ở phòng hậu phẫu.
Ba tuần sau, cả mẹ và bé đều ổn định như phép màu. "Từ chẩn đoán hôn mê sâu, bệnh nhân đã hồi phục và trở lại sống bình thường mà không có bất kỳ di chứng nào", bác sĩ Hưng nói.
Đây là một trong số hơn 5.000 ca mổ não mà y bác sĩ Trung tâm Phẫu thuật thần kinh thực hiện trong năm 2022, giúp nhiều bệnh nhân thoát chết thần kỳ. Nơi này được coi là "đầu sóng, ngọn gió", thường xuyên xử lý những ca bệnh phức tạp của Bệnh viện Việt Đức - đơn vị chuyên khoa hạng đặc biệt của Bộ Y tế, trung tâm ngoại khoa hàng đầu phía Bắc. Từ 2022 đến nay, bệnh viện thực hiện hơn 79.000 ca mổ - không nhiều cơ sở y tế trên thế giới có thể triển khai con số tương tự.
PGS.TS.BS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nói rất khó so sánh phẫu thuật não với các bộ phận khác, bởi chuyên ngành thần kinh gồm các bệnh lý liên quan đến não - trung tâm chỉ huy mọi hoạt động của con người nên mức độ phức tạp cao hơn. Chẳng hạn các ca mổ thông thường có thể cầm nắm vào từng bộ phận cơ thể, nhưng khối u sâu khoảng 10 cm, bao quanh là các dây thần kinh, chỉ có thể tiếp cận được bằng dụng cụ vi phẫu.
"Nếu không cẩn thận, bệnh nhân sẽ khiếm khuyết chức năng thần kinh, không thể phục hồi, nên ca phẫu thuật não thường kéo dài và phức tạp", bác sĩ nói.
Ngoài rèn luyện kỹ năng, bác sĩ thần kinh phải liên tục cập nhật những kỹ thuật mới, học hỏi từ các chuyên gia trong và ngoài nước. Chưa kể, thời gian đào tạo một bác sĩ phẫu thuật não khoảng 12-15 năm. Sau 6 năm đại học, bác sĩ phải học chuyên khoa, đi sâu vào từng mảng nhỏ trong phẫu thuật thần kinh, trải qua quá trình phụ mổ, mổ trên động vật, tập khoan, mài trên vỏ trứng..., mới được cầm dao mổ chính.
Hơn 10 năm theo nghề, bác sĩ Trần Đình Văn nói phòng mổ não là nơi chứng kiến nhiều cuộc chiến khốc liệt giành giật sự sống người bệnh. Anh nhớ ca mổ đầu tiên, ở vai trò phẫu thuật viên chính, là bệnh nhi hai tuổi, động kinh kháng thuốc, tần suất 20 cơn mỗi ngày. Cuộc mổ đối diện nhiều yếu tố nguy cơ như mất máu, nhiễm trùng, tổn thương hệ thống dây thần kinh, thậm chí bị liệt, mù, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Nếu không phẫu thuật, cuộc sống bệnh nhi là chuỗi ngày bệnh tật tiếp nối, nên anh và ê kíp nỗ lực giúp cháu bé hồi sinh. Hiện, bé 12 tuổi, khỏe mạnh, không di chứng.
Đến nay, anh không nhớ bao nhiêu lần phải "cân não" để cứu bệnh nhân thoát cửa tử. Lần gần nhất, đơn vị tiếp nhận nam thanh niên ngã từ tầng ba, bị thanh sắt đâm xuyên não, tính mạng "nghìn cân treo sợi tóc". Kíp cấp cứu gồm bác sĩ chấn thương, gây mê, hồi sức, được huy động trong thời gian ngắn, từng bước xử lý. Ca mổ kéo dài 4 giờ, ê kíp vừa phẫu thuật, vừa theo dõi và đánh giá chỉ số sinh tồn.
"Tình huống lúc đó như chỉ mành treo chuông", bác sĩ Văn nói, thêm rằng thanh sắt chỉ đi lệch vài mm thì không thể cứu vãn. Phòng phẫu thuật chỉ còn tiếng dụng cụ va vào nhau. May mắn, dị vật được rút ra, ca mổ thành công.
Còn với bác sĩ Hưng, không có công thức chung nào cho các bệnh nhân. Trong phòng mổ, các bác sĩ buộc phải chạy đua thời gian nhưng cũng cần thận trọng từng bước. Công việc rèn luyện cho anh tính kiên nhẫn và tỉnh táo, đủ khả năng đứng mổ trong nhiều giờ. Anh ví điều này "giống như trạng thái thiền, chỉ tập trung vào bệnh nhân, không quan tâm đến những vấn đề khác".
Đối diện với tình huống sinh tử thường trực, anh tự nhủ phải có "trái tim của con sư tử, có mắt của con đại bàng và bàn tay của người thợ may" bởi một sai sót nhỏ không chỉ ảnh hưởng tính mạng bệnh nhân mà còn đánh đổi sự nghiệp của bác sĩ.
Thùy An