Kyal Sin, cô gái 19 tuổi có tên thường gọi là Angel, hôm 3/3 tham gia biểu tình phản đối đảo chính tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai Myanmar. Angel cho biết cô đang đấu tranh cho nền dân chủ mà cô đã bỏ phiếu bầu tháng 11 năm ngoái. Đó cũng là lần đầu tiên Angel được đi bỏ phiếu, song chính quyền dân sự của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi đã bị lật đổ trong cuộc đảo chính ngày 1/2.
Angel trúng đạn vào đầu ngay trong cuộc biểu tình này. Cụm từ "Mọi chuyện sẽ ổn" trên chiếc áo phông của cô nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. Ít nhất 38 người biểu tình bị bắn chết trên khắp Myanmar hôm 3/3, trong khi phát ngôn viên quân đội từ chối bình luận.
Myat Thu, người có mặt cùng Angel trong cuộc biểu tình, nói rằng Angel là cô gái dũng cảm, đã đá vỡ ống nước để người biểu tình rửa mắt khi dính hơi cay. Cô cũng ném trả những viên đạn hơi cay về phía cảnh sát.
"Khi cảnh sát nổ súng, cô ấy bảo tôi 'Ngồi! Ngồi xuống! Bạn sẽ trúng đạn đấy'", Myat Thu, 23 tuổi, nhớ lại về sự quan tâm, chăm sóc người khác của Angel.
Myat Thu và Angel là hai trong số hàng trăm người tụ tập ôn hòa tại Mandalay để lên án đảo chính và kêu gọi trả tự do cho bà Suu Kyi. Trong video được đăng lên mạng xã hội, Angel hét lên trước khi cảnh sát tấn công: "Chúng ta sẽ không bỏ chạy" và "đừng gây đổ máu".
Myat Thu cho biết cảnh sát ban đầu dùng hơi cay, nhưng sau đó là đạn thật. Những bức ảnh được chụp trước khi Angel bị bắn chết cho thấy cô đang nằm rạp trên mặt đường, tìm chỗ ẩn nấp cạnh biểu ngữ phản đối, đầu hơi ngẩng lên.
Rồi mọi người tản ra. Myat Thu sau đó nhận được tin nhắn: một cô gái đã chết. "Tôi không biết đó là cô ấy", Myat Thu nói, nhưng hình ảnh nhanh chóng xuất hiện trên Facebook cho thấy thi thể của Angel cạnh một nạn nhân khác bị bắn chết.
Số người chết trong biểu tình hôm 3/3 tăng hơn gấp đôi hôm 28/2, trở thành ngày đẫm máu nhất từ sau đảo chính. Quân đội nói rằng họ sẽ hành động chống lại "những người biểu tình bạo loạn".
Myat Thu quen Angel tại một lớp học taekwondo. Cô cũng là vũ công tại Câu lạc bộ khiêu vũ DA-Star của Mandalay, thường đăng video khiêu vũ trên Facebook. Angel từng chia sẻ niềm tự hào khi lần đầu tiên đi bỏ phiếu ngày 8/11, với bức ảnh cô đang hôn ngón tay được nhuộm màu tím, dấu hiệu cho thấy cô đã bỏ phiếu.
"Lá phiếu đầu tiên của tôi, từ tận sâu đáy lòng. Tôi đã thực hiện nghĩa vụ với đất nước", Angel cho hay, kèm biểu tượng 6 trái tim màu đỏ.
Quân đội tiến hành đảo chính với lý do xảy ra gian lận trong cuộc bầu cử đó. Ủy ban bầu cử Myanmar bác bỏ cáo buộc này.
Vào ngày xảy ra cuộc đảo chính, Angel đùa trên Facebook rằng cô không biết chuyện gì đang xảy ra vì Internet bị cắt. Trong những ngày sau đó, cô xuất hiện trên đường phố, vẫy lá cờ đỏ đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà Suu Kyi. Trong một bộ ảnh, cô buộc dải ruy băng đỏ vào cổ tay.
Cô tiếp tục tham gia biểu tình khi quân đội triển khai binh sĩ mang súng trường phối hợp cùng cảnh sát trấn áp. Như Angel, hơn chục người biểu tình đã chết bởi những phát súng chí mạng, khiến các nhóm nhân quyền nghi ngờ họ bị cố tình nhắm bắn. Một phụ nữ khác, không tham gia biểu tình, cũng bị bắn vào đầu ở Mandalay hôm 28/2.
Kyaw Zin Hein, một người bạn của Angel, chia sẻ tin nhắn cuối cùng của cô với anh trên mạng xã hội: "Đây có thể là lần cuối cùng tớ nói điều này. Yêu cậu rất nhiều. Đừng quên". Trên Facebook, cô đăng chi tiết thông tin về nhóm máu của mình và yêu cầu hiến xác nếu qua đời.
"Cô ấy là cô gái hạnh phúc, yêu gia đình và cha Angel rất yêu cô ấy", Myat Thu cho biết. "Chúng tôi đang không có chiến tranh, không có lý do gì để sử dụng đạn thật với người dân".
Huyền Lê (Theo Reuters)