Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 21/3 xác nhận Nga đã sử dụng vũ khí siêu vượt âm ở Ukraine vì "đó là thứ duy nhất mà họ có thể chắc chắn sẽ xuyên thủng được lưới phòng không đối phương".
Trong cuộc phỏng vấn trước đó với CBS, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định dùng tới tên lửa siêu vượt âm Kinzhal để thúc đẩy chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Bộ trưởng Austin cho rằng Kinzhal không phải là "loại vũ khí làm thay đổi cuộc chơi", đồng thời đề cập khả năng quân đội Nga đang thiếu vũ khí có độ chính xác cao. "Bạn thắc mắc tại sao ông ấy lại làm như vậy ư? Phải chăng ông ấy sắp hết vũ khí dẫn đường chính xác?", Austin nói với người dẫn chương trình.
Trong cuộc phỏng vấn với Politico ngày 22/3, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ và một quan chức phương Tây giấu tên cũng nhận định rằng Nga quyết định triển khai vũ khí siêu vượt âm Kinzhal tấn công mục tiêu tại Ukraine do kho dự trữ tên lửa dẫn đường tầm xa có độ chính xác cao của lực lượng này đã "cạn kiệt" sau khi phóng hơn 1.100 quả đạn vào Ukraine từ khi triển khai chiến dịch quân sự hôm 24/2.
"Chúng tôi nghĩ đó có thể là một lý do", quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói. Quan chức phương Tây cũng cho rằng Nga "sắp hết vũ khí chính xác" nên phải tung Kinzhal vào chiến trường.
Cũng có một số giả thuyết khác được đặt ra về quyết định triển khai tên lửa siêu vượt âm của Nga. Rebekah Koffler, cựu sĩ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ kiêm chuyên gia về Nga, cho rằng với quyết định phóng tên lửa Kinzhal, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang báo hiệu cho Mỹ và NATO rằng ông sẵn sàng tăng sử dụng sức mạnh quân sự của nước này.
"Ông ấy có thể sử dụng các tên lửa hành trình khác, song lại chọn tên lửa siêu vượt âm", Koffler nói. "Thông điệp chiến lược ở đây là Nga đã sở hữu vũ khí này, còn Mỹ thì không".
Tuy nhiên, quan chức phương Tây nói với Politico rằng việc phải sử dụng đến tên lửa siêu vượt âm Kinzhal thể hiện lực lượng Nga đang ngày càng có ít lựa chọn hơn trên chiến trường Ukraine. Tên lửa hiện đại như Kinzhal thường rất đắt đỏ và khó chế tạo hàng loạt, trong khi ở Ukraine có rất ít mục tiêu mang giá trị chiến lược đủ lớn để Nga tung ra vũ khí này.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 19/3 xác nhận đã lần đầu tiên sử dụng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal tấn công một căn cứ ở vùng Ivano-Frankivsk ở miền đông Ukraine. Một ngày sau, Moskva tuyên bố tiếp tục khai hỏa Kinzhal tập kích kho nhiên liệu gần làng Kostyantynivka ở tỉnh Mykolaiv phía tây nam.
Các chuyên gia nhận định tên lửa siêu vượt âm Kinzhal của Nga sẽ không góp phần làm thay đổi quá nhiều cục diện chiến trường ở Ukraine, do Moskva không có quá nhiều tên lửa loại này để có thể tập kích thường xuyên.
Tên lửa siêu vượt âm là vũ khí có tốc độ gấp 5 lần âm thanh (Mach 5) trở lên, tương đương hơn 6.200 km/h, đồng thời có khả năng cơ động giữa hành trình để né tránh lưới phòng không đối phương. Nhờ vậy, vũ khí siêu vượt âm có khả năng sát thương cao hơn và gần như không thể bị đánh chặn bằng các lá chắn phòng thủ hiện nay.
Ngọc Ánh (Theo Politico)