So với thương vụ Jaguar-Land Rover về tay tập đoàn Ấn Độ Tata hồi 2008 hay Geely tiếp quản Volvo từ Ford năm 2010, việc tỷ phú Lý Thư Phúc chi 9 tỷ USD mua gần 10% cổ phần Daimler, hãng mẹ của Mercedes, chỉ là một thương vụ đầu tư chứ chưa phải một cuộc thâu tóm nhưng cũng khiến phương Tây e ngại.
Chính phủ Đức nói rằng, họ sẽ giữ sự cẩn trọng đặc biệt đối với những thương vụ đầu tư tương tự. Những ngành công nghiệp chủ đạo như ôtô, tự động hóa của Đức cần được quan tâm hơn để duy trì sức mạnh kinh tế lẫn tạo ra việc làm cho người dân.
"Đức vẫn mở cửa kinh tế và chào đón đầu tư, miễn chúng phù hợp với các quy ước của thị trường", bà Brigitte Zypries, Bộ trưởng kinh tế cho biết. "Nhưng sự cởi mở của chúng tôi không nên được sử dụng như công cụ phục vụ cho các lợi ích về chính sách công nghiệp của các quốc gia khác", theo BBC.
Sau khi thương vụ đầu tư Geely vào Daimler hoàn tất, chính phủ Đức đã xem xét lại và cho biết không phát hiện bất cứ dấu hiệu vi phạm nào. "Chính phủ không can thiệp vào hoạt động giao dịch của các công ty, Daimler có những nhà đầu tư khác", NYtimes dẫn lời Thủ tướng Đức Angela Merkel. "Mục tiêu của tôi là giữ cho ngành công nghiệp ôtô Đức tiếp tục phát triển ổn định".
Nước Đức nói riêng và phương Tây nói chung đều thể hiện sự cảnh giác cao độ đối với các hoạt động thâu tóm của Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực. Trường hợp của Geely và Daimler trong ngành công nghiệp bốn bánh, sự quan ngại đến từ việc các công ty Trung Quốc có thể tiếp cận công nghệ hay phát minh thông qua điều khoản giao dịch trong hợp đồng đầu tư.
Ở một khía cạnh khác, các công ty Trung Quốc có thể tạo nên tầm ảnh hưởng lớn đối với kinh tế châu Âu thông qua các hoạt động đầu tư nước ngoài. Ngày càng nhiều tên tuổi trong ngành công nghiệp ôtô châu Âu không thể đứng vững trước làn sóng thâu tóm từ các công ty Trung Quốc.
Các hãng xe như Volvo (Thụy Điển), Lotus, MG, London Taxi (Anh), hãng lốp Pirelli (Italy), tập đoàn robot công nghiệp Kuka (Đức) đều thuộc quyền kiểm soát của người Trung Quốc. Tất cả phục vụ cho mục tiêu "sản xuất tại Trung Quốc vào 2025 - Made in China 2025" của nước này. Khi đó, quốc gia đông dân nhất thế giới, thị trường ôtô lớn nhất thế giới nắm hầu hết các ngành công nghiệp giá trị cao. Tham vọng dẫn đầu thế giới.
Sức mạnh đang lên của ôtô Trung Quốc cũng góp phần nâng tầm ảnh hưởng của xe hơi châu Á, đối trọng khiến châu Âu, Mỹ phải dè chừng vào lúc này. Nhật Bản là một tên tuổi lớn trong làng bốn bánh, nhưng hiện giờ không chỉ cạnh tranh các hãng xe Âu, Mỹ mà còn Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc.
Thế giới ngày càng phẳng và xu hướng tương lai khiến bản đồ ngành công nghiệp xe hơi đang tái định hình.
Thành Nhạn