Để giảm gánh nặng cho các bệnh nhân suy tim, việc thăm khám, phát hiện sớm ca bệnh là việc làm quan trọng. Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Nguyễn Vinh, Phó chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, chia sẻ nền y học Việt Nam đã phát triển rất nhiều, các bác sĩ đều có thể sử dụng NT-proBNP trong chẩn đoán và theo dõi hiệu quả điều trị suy tim cho bệnh nhân.
NT-proBNP là chất chỉ điểm sinh học, hiện diện trong máu, tăng khi thành tim bị giãn, phì đại hoặc tăng áp lực lên thành tim. Ở bệnh nhân khó thở nghi suy tim, đo nồng độ NT-proBNP trong máu giúp phát hiện, hỗ trợ chẩn đoán.
Trong chẩn đoán, NT-proBNP giúp phân biệt khó thở do tim hay do nguyên nhân khác... Trong điều trị, NT-proBNP giảm chỉ ra đáp ứng điều trị tốt, ngược lại NT-proBNp tăng cho thấy tiên lượng xấu; hoặc khi xuất viện, chỉ số NT-proBNP cao có thể tiên lượng bệnh nhân sớm nhập viện trở lại. Chẩn đoán sớm và theo dõi điều trị suy tim sẽ giúp tránh tình trạng suy tim trở nặng kéo theo một loạt biến chứng nguy hiểm như rối loạn nhịp, đột quỵ, đột tử và tử vong.
Hiện nay, phương pháp định lượng NT-proBNP hoặc BNP khi chẩn đoán, theo dõi suy tim đã nằm trong danh sách chi trả của bảo hiểm y tế, góp phần giảm bớt chi phí cho bệnh nhân.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Nguyễn Vinh, suy tim dẫn đến tim không thể đẩy máu đi được hoặc là tim không thể chứa máu (rối loạn đổ đầy). Suy tim có 4 giai đoạn, giai đoạn cuối phải ghép tim, thay tim, chi phí tốn kém. Một người suy tim nặng, một năm có thể nhập viện đến 2 đến 3 lần. Nếu phải vào phòng hồi sức cấp cứu, mỗi ngày có thể tiêu tốn 10 đến 20 triệu đồng.
"Trong những năm gần đây, nếu chúng ta tính theo tần số của châu Âu thì hiện nay Việt Nam có hàng triệu người bị suy tim đang cần điều trị", PGS.TS. Phạm Nguyễn Vinh nói.
Ước tính Việt Nam có khoảng 1,6 triệu người suy tim, trong đó 25% tử vong trong năm đầu sau khi được chẩn đoán phần lớn do điều trị không đầy đủ.
Trong báo cáo của Hội Tim mạch châu Á - Thái Bình Dương đã chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn đọng như: nhận thức về suy tim của bệnh nhân và bác sĩ vẫn còn thiếu, điển hình như các dấu hiệu và triệu chứng của suy tim; Công tác chẩn đoán suy tim – bao gồm việc tiếp cận các công cụ chẩn đoán như các chất chỉ điểm sinh học - vẫn chưa được xem là chính yếu tại nhiều quốc gia dẫn đến sự chậm trễ trong việc giúp bệnh nhân nhận được những dịch vụ chăm sóc cần thiết; Thiếu những trung tâm chăm sóc, theo dõi bệnh nhân sau khi xuất viện hoặc khả năng tiếp cận của bệnh nhân với các dịch vụ phục hồi chức năng tim mạch...
Gánh nặng suy tim lên nền kinh tế toàn cầu đang ước tính khoảng 346,17 tỷ USD, theo báo cáo của Global Health Data Exchange. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thời gian nằm viện trung bình của bệnh nhân suy tim từ 5 đến 12 ngày và có tới 15% bệnh nhân tái nhập viện trong vòng 30 ngày. Đặc biệt, nhiều nghiên cứu còn cho thấy sau đại dịch, các bệnh nhân nhiễm Covid-19 có khả năng tăng nguy cơ mắc suy tim lên đến 72%.
Suy tim nói riêng và các bệnh tim mạch nói chung có thể phòng ngừa được nếu có thể kiểm soát và khắc phục các yếu tố nguy cơ. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Hòa, Phó khoa Tim mạch can thiệp, bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, Tổng Thư ký Phân hội Xơ vữa Động mạch Việt Nam, để phòng ngừa suy tim nói riêng và các bệnh tim mạch người dân nên thực hiện những thói quen như: duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, kiểm soát cân nặng, tăng cường ăn rau và cá, giảm ăn muối, đồ ngọt, dầu mỡ; Vận động thể lực mỗi ngày, ít nhất 30 phút; Không hút thuốc, hạn chế rượu bia; Thăm khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra huyết áp, cholesterol và glucose do tăng huyết áp là yếu tố quan trọng gây khoảng một nửa số bệnh tim mạch và đột quỵ. Người mắc bệnh tim mạch nên tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện đầy đủ chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của bác sĩ.
Yên Chi