Ông Tào Hữu Phùng, nguyên thứ trưởng Bộ Tài chính, nhận xét: “Trang bị đầu tư cho ngành thống kê còn quá yếu kém so với trình độ khu vực và quốc tế”. Còn theo đại biểu Hoàng Văn Xim, tỉnh Hà Tây, hạn chế cố hữu của ngành này là điều tra không đúng quy trình, số liệu chưa khách quan, nhiều khi phải điều chỉnh theo ý kiến và ý tưởng của các cấp lãnh đạo. Đây là một trong những lý do khiến các chính sách ban hành chưa phù hợp với thực tế, không đón trước được những biến chuyển của xã hội. Các đại biểu thống nhất việc cần đưa công tác thống kê vào khuôn khổ, để số liệu thu được là cơ sở vững chắc khi hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội.
Góp ý cụ thể cho dự luật, nhiều đại biểu cho rằng tên văn bản phải là Luật Thống kê. Theo ông Nguyễn Ngọc Trân, có vậy mới phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật, gồm cả hoạt động thống kê do Chính phủ tiến hành và thống kê ngoài xã hội. Ông Trân lưu ý vấn đề quyền sở hữu số liệu, bởi Liên Hợp Quốc đang nghiên cứu ban hành một hiệp ước về cơ sở dữ liệu, với xu hướng công nhận việc tư hữu hóa các số liệu công. Lúc đó, dữ liệu gốc của một quốc gia sau khi được cá nhân hay tổ chức xử lý sẽ cho ra số liệu thứ cấp, thuộc quyền sở hữu của tổ chức đó. Ông cho rằng cần đưa vào một điều luật nghiêm cấm tư hữu hóa thông tin thống kê quốc gia. Ngoài ra cần quy định rõ chế độ bảo mật dữ liệu, tránh được những ràng buộc về cung cấp thông tin khi Việt Nam hội nhập quốc tế.
Đại biểu Tôn Nữ Thị Ninh góp ý về tính đồng bộ của hệ thống thống kê. Theo bà, thống kê dữ liệu phải nằm trong một hệ thống thống nhất, đồng bộ thì mới có giá trị làm cơ sở hoạch định chính sách. Để được như vậy, Việt Nam cần sử dụng những chuẩn quốc tế được thừa nhận rộng rãi. Chỉ như vậy, các nhà đầu tư khi đến làm ăn với Việt Nam mới dễ dàng chấp nhận những số liệu về tình hình kinh tế, thị trường.
Theo chương trình làm luật của Quốc hội khóa XI, dự thảo luật thống kê là một trong 4 dự án luật được trình vào kỳ họp này để đại biểu cho ý kiến (gồm luật giám sát, luật kế toán, luật thống kê, và luật biên giới quốc gia). Thời gian tới, ngoài những góp ý của đại biểu, Ủy ban Thường vụ sẽ tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia am hiểu lĩnh vực thống kê. Dự thảo sẽ được hoàn thiện để Quốc hội thông qua.
Nghĩa Nhân