Nhóm nghiên cứu tại Viện Babraham thuộc Đại học Cambridge (Anh) phát triển phương pháp tái lập trình tế bào da để chúng hoạt động như thể trẻ hơn nhiều tuổi, Guardian hôm 7/4 đưa tin. Theo đó, con người có thể "quay ngược thời gian" tới 30 năm. Nghiên cứu mới có thể dẫn đến sự phát triển của những kỹ thuật giúp ngăn ngừa bệnh tuổi già thông qua việc phục hồi chức năng của các tế bào già và giảm tuổi sinh học của chúng.
Trong những thí nghiệm mô phỏng một vết thương trên da, tế bào già được tiếp xúc với hỗn hợp chất hóa học nhằm tái lập trình và khiến chúng hoạt động giống tế bào trẻ hơn, loại bỏ những thay đổi liên quan đến tuổi tác. Các nhà khoa học từng làm được điều này trước đây, nhưng phương pháp mới hoàn thành trong thời gian ngắn hơn nhiều, giảm từ 50 ngày xuống còn 13 ngày, đồng thời khiến các tế bào thậm chí còn trẻ hơn.
"Hiểu biết của con người về lão hóa ở cấp độ phân tử đã tiến bộ trong thập kỷ qua, giúp phát triển những kỹ thuật cho phép giới nghiên cứu đo đạc các thay đổi sinh học liên quan đến tuổi tác trong tế bào người. Chúng tôi áp dụng điều này vào thí nghiệm để xác định mức độ tái lập trình mà phương pháp mới đạt được. Kết quả của chúng tôi thể hiện một bước tiến lớn trong kiến thức về tái lập trình tế bào", tiến sĩ Diljeet Gill tại viện Babraham cho biết.
Phương pháp mới dựa trên kỹ thuật từng đoạt giải Nobel mà các nhà khoa học sử dụng để tạo ra tế bào gốc. Kỹ thuật này lấy cảm hứng từ quá trình tế bào già của cha mẹ được chuyển thành mô trẻ của em bé sơ sinh. Đây là một loại "tờ giấy trắng" sinh học, không có dấu vết của tuổi tác.
Nghiên cứu của viện Babraham là một bước tiến vì kỹ thuật này không hoàn toàn xóa bỏ tế bào ban đầu. Thay vào đó, quá trình tái lập trình được dừng lại nửa chừng, cho phép nhóm nghiên cứu tìm kiếm sự cân bằng giữa việc tạo ra các tế bào trẻ hơn về mặt sinh học với việc bảo tồn những chức năng tế bào chuyên biệt của chúng.
Thí nghiệm mang những dấu hiệu đầy hứa hẹn cho thấy tế bào trẻ hóa giúp chữa lành vết thương tốt hơn. Các tế bào tái lập trình sản xuất protein collagen, yếu tố giúp lành vết thương, nhiều hơn so với những tế bào chưa trải qua tái lập trình.
Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy phương pháp mới có tác dụng thúc đẩy những gene khác gắn liền với các bệnh và triệu chứng liên quan đến tuổi tác. Số này bao gồm gene APBA2 (bệnh Alzheimer) và gene MAF (bệnh đục thủy tinh thể). Tuy nhiên, nhóm chuyên gia cho biết, cơ chế đằng sau việc tái lập trình vẫn chưa được hiểu đầy đủ vì nó có thể gây ung thư và cần được nghiên cứu thêm trước khi ứng dụng vào lĩnh vực y học tái tạo.
Thu Thảo (Theo Guardian)