Học trước quên sau là vấn đề thường gặp của nhiều học sinh. Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, tại thời điểm mới tiếp nhận kiến thức, bạn có thể nhớ một cách nhuần nhuyễn nhưng khi chuyển sang chuyên đề, bài học mới, kiến thức cũ sẽ bị lãng quên một phần. Điều này khiến nhiều bạn gặp khó khăn trong việc hệ thống hóa và kết nối các đơn vị kiến thức; từ đó, không có được nền tảng kiến thức toàn diện, xuyên suốt trong quá trình học.
Lý thuyết về đường cong quên
Năm 1885, nhà tâm lý học Hermann Ebbinghaus đưa ra lý thuyết về đường cong quên. Theo đó, khi học tập, mọi thông tin mới tiếp xúc đều sẽ được lưu vào khu trí nhớ ngắn hạn. Nếu như không được nhắc lại hay sử dụng thường xuyên, các thông tin này sẽ bị lãng quên nhanh; từ đó, dần hình thành đường cong quên. Theo Hermann Ebbinghaus, sau một giờ, con người có thể quên hơn một nửa thông tin thu nạp, sau một tuần, lượng kiến thức còn lưu lại chỉ khoảng 20%.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam cho rằng, ở mỗi cá nhân, tỷ lệ lãng quên có sự khác nhau. Theo ông, để khắc phục sự khác biệt này, cần phải áp dụng các phương pháp, kỹ thuật trong rèn luyện trí nhớ dựa trên 3 nguyên tắc: tác động vào nhiều giác quan, tăng khả năng vận động và tăng tính hệ thống.
Phương pháp học thông minh
Đối với học sinh ôn thi, thời gian được đề xuất để đạt hiệu quả tối đa là rà soát kiến thức trong 24 giờ đầu tiên sau khi biết thông tin. Tại hội thảo "Học thông minh" của Hocmai.vn, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam đưa ra đề xuất về hiệu ứng giãn cách tối ưu trong ôn tập với các khoảng thời gian là một ngày, 3 ngày, một tuần, một tháng, 2 tháng. Tuy nhiên, tùy vào khả năng ghi nhớ kiến thức, mỗi người có thể điều chỉnh lượng giãn cách phù hợp.
Để ghi lại kiến thức một cách tập trung và nhanh chóng, bạn cần tạo nội dung ghi nhớ theo từng thẻ riêng biệt, gọi chung là flashcard hay thẻ ghi nhớ thông minh chứa các thông tin (từ, số hoặc cả hai). Theo cách này, người dùng sẽ viết một câu hỏi ở mặt trước thẻ và một câu trả lời ở mặt sau thẻ.
Thẻ ghi nhớ thường được sử dụng khi học từ vựng ngoại ngữ. Ngoài ra, bạn có thể dùng thẻ ghi nhớ để học ngày tháng, năm, lịch sử, công thức hoặc bất kỳ vấn đề gì thông qua định dạng một câu hỏi và câu trả lời.
Ví dụ, các phần lý thuyết mà thầy cô giảng trên lớp, nếu tổng kết lại sẽ có một vài công thức cần ghi nhớ và kèm theo đó là khoảng 3, 5 ví dụ tổng quát. Đối với các câu hỏi lý thuyết, mặt trước của thẻ bạn ghi câu hỏi và viết đáp án vào mặt sau. Tương tự với các ví dụ minh họa, mặt trước dùng để ghi đề bài, mặt sau ghi lời giải.
Thẻ ghi nhớ thông minh thu hút hơn so với sách giáo khoa vì lượng chữ, số ít ỏi, dễ nhớ và hệ thống theo đúng ý hiểu của bản thân. Mặt khác, bạn có thể trang trí những tấm thẻ này với nhiều màu mực để thu hút sự thích thú của bản thân ngay từ khi bắt đầu.
Cũng theo thầy Nam, đối với các bộ thẻ ghi nhớ, học sinh nên chia theo ngày, tuần, tháng. Cụ thể, khi học các thẻ ở tệp hàng ngày, nếu đã cảm thấy quen thuộc với một số thẻ, bạn hãy chuyển thẻ đó sang tệp tuần - cách một tuần sẽ ôn một lần. Nếu tiếp tục thuộc rồi, hãy chuyển sang tệp tiếp theo cho đến khi thực sự nắm được vấn đề đó. Cách học này giúp cải thiện khả năng ghi nhớ, tiết kiệm và sử dụng thời gian hiệu quả vào những đơn vị kiến thức cần được ôn tập nhiều hơn.
Ưu điểm của phương pháp giãn cách và thẻ ghi nhớ là phù hợp với nhiều đối tượng cũng như môn học. Việc phân phối thời gian hợp lý mang lại kết quả khả quan cho việc học ngữ vựng, học định nghĩa của từ, thậm chí cả các kỹ năng như toán học, âm nhạc và phẫu thuật. Tuy nhiên để phương pháp này đạt hiệu quả, bạn cần có kế hoạch học tập rõ ràng, vượt qua trở ngại chung của người học là xu hướng hay trì hoãn việc ôn bài.
Ngân An