Để thay đổi phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với chương trình mới, nữ giáo viên Ngữ văn tại HOCMAI chia sẻ cụ thể về chương trình Ngữ văn 6 - bộ sách Chân trời sáng tạo, áp dụng từ năm học 2021-2022 như sau:
Nội dung học tích hợp phát triển kỹ năng
Theo cô Gia Linh, chương trình Ngữ văn 6, bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo thiết kế theo quan điểm dạy học tích hợp: chủ điểm kết hợp với thể loại văn bản; gói gọn 4 kỹ năng đọc, viết, nói và nghe trong một chủ điểm; đọc cùng tiếng Việt. Trong các kỹ năng kể trên, đọc hiểu là nền tảng để học sinh trau dồi các yếu tố còn lại.
Về nội dung, các chủ điểm trong chương trình xoay quanh ba vấn đề cơ bản là con người - thiên nhiên, con người - xã hội, con người với bản thân mình. Mục đích của các chủ đề này là hỗ trợ học sinh phát triển giá trị phẩm chất.
Bên cạnh đó, mỗi bài học sẽ cung cấp mô hình đọc hiểu riêng cho từng thể loại văn bản để học sinh rèn luyện. Từ đó, các em hình thành kỹ năng đọc với bất kỳ văn bản mới nào thuộc một trong các các thể loại đó ở ngoài phạm vi chương trình học.
Không chỉ cải tiến về nội dung, chương trình học mới còn thiết kế nhiệm vụ học tập phù hợp với tầm nhận thức và tâm sinh lý của học sinh, giúp các em chủ động tham gia khám phá hệ thống kiến thức thông qua việc đọc, viết, nói, nghe. Học sinh có cơ hội thực hành rèn luyện kỹ năng, từ đó hình thành phát triển năng lực, kết nối vận dụng kiến thức vào cuộc sống, giúp việc học gợi mở, truyền cảm hứng học tập và sáng tạo cho các em.
Cấu trúc của sách giáo khoa cũng phát huy tính tự học cho học sinh nhờ phần hướng dẫn hỗ trợ tra cứu. Thầy cô sẽ hướng dẫn các em cách tìm hiểu kiến thức ngoài sách giáo khoa, nâng cao hơn để hỗ trợ cho việc học, phát huy tinh thần tự giác.
Tập trung phát triển tư duy ngôn ngữ
Trước những thay đổi của chương trình học mới, cô Linh cho biết, giáo viên sẽ không chỉ dạy kiến thức mà còn chỉ cách học để giúp học sinh hình thành tư duy về ngôn ngữ, văn học thông qua các hoạt động: khởi động, khám phá kiến thức, luyện tập, vận dụng và mở rộng.
Ví dụ, khi học bài Sự tích Hồ Gươm, giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu cốt truyện, nhân vật, chủ đề để vừa hiểu rõ văn bản, vừa biết cách đọc truyền thuyết. Như vậy, các em có thể đọc hiểu bất kỳ truyền thuyết nào ngoài chương trình. Hay khi tìm hiểu nhân vật Lê Lợi, các em sẽ dễ dàng so sánh điểm tương đồng và khác biệt giữa Lê Lợi và Thánh Gióng; đồng thời, cũng đối chiếu cả hai với đặc điểm của một nhân vật truyền thuyết khác. Việc thực hành tìm hiểu qua đối sánh tạo cơ hội để các em nắm vững bài học và củng cố kiến thức nền liên quan.
"Qua việc rèn luyện kỹ năng đọc truyền thuyết, các em không cần thuộc văn một cách máy móc mà vẫn có thể tiếp cận bất kỳ truyện truyền thuyết nào một cách linh hoạt, tự tin và chủ động", cô Linh nhấn mạnh.
Ngoài ra, cô Gia Linh cũng chia sẻ, để giúp con tận dụng khoảng thời gian hè làm quen chương trình giáo dục phổ thông mới và rèn luyện kỹ năng sớm, phụ huynh có thể tham khảo khóa Ngữ văn mới thuộc Chương trình Học Tốt 6 trên nền tảng học trực tuyến Hocmai.vn. Đây là khoá học được xây dựng bám sát nội dung chương trình mới với đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm.
Theo cô, điều quan trọng khi dạy học trực tuyến là cần tạo cho học sinh hứng thú và hăng say như học trực tiếp. Vì vậy, trong khóa học này cô cùng đội ngũ chuyên gia của HOCMAI đã thiết kế hoạt động Khởi động ở mỗi bài học sinh động và hấp dẫn nhằm giúp các em chuẩn bị tâm thế sẵn sàng và thích nghi tốt với việc học online.
Trong quá trình học, cô sẽ hướng dẫn học sinh các bài học nói và nghe đạt hiệu quả như mục tiêu của phương pháp mới. Khi học bài Chia sẻ cảm nghĩ về môi trường trung học cơ sở, các em không chỉ học cách nêu lên cảm nghĩ mà còn có thể thực hành kiến thức đó bằng cách tự ghi hình video, sau đó, xem lại, tự đánh giá qua bảng gợi ý đánh giá hoặc nhờ bạn bè, thầy cô, người thân nhận xét.
Bên cạnh đó, trong mỗi hoạt động học tập, giáo viên còn thiết kế các hoạt động đa dạng, kết hợp với phiếu học tập phong phú thuộc nhiều chủ đề khác nhau sáng rõ. Điều này giúp các em học tập nhẹ nhàng mà hiệu quả, đồng thời duy trì tâm thế học chủ động tích cực xuyên suốt.
Thiên Minh
Ảnh: HOCMAI