Biến đổi khí hậu đã gây hạn hán thường xuyên và kéo dài hơn ở Zimbabwe, khiến quốc gia châu Phi này thiếu hụt nước và lương thực nghiêm trọng. Để đảm bảo an ninh lương thực, chính phủ đã giới thiệu một mô hình canh tác mới, được gọi là "pfumvudza" hoặc "intwasa" trong ngôn ngữ địa phương Shona và Ndebele.
Đây là phương pháp thâm canh sản xuất bền vững dựa trên ba nguyên tắc chính là xáo trộn đất tối thiểu, sử dụng đất phủ và luân canh cây trồng. Bên cạnh đó, nông dân sẽ tập trung nguồn lực và sử dụng năng lượng trên một mảnh đất nhỏ, giúp giảm nhu cầu lao động cũng như vốn đầu tư ban đầu, đồng thời tạo điều kiện để cây trồng được bổ sung nước tưới trong những đợt hạn hán.
Phương pháp canh tác giúp nông dân Zimbabwe đương đầu với hạn hán. Video: Xinhua.
Theo các nguyên tắc, nông dân chỉ đào một hố nhỏ để gieo hạt, trồng cây và để những phần còn lại của đất không bị xáo trộn. Việc sử dụng lớp phủ giúp duy trì độ ẩm của đất và ngăn cỏ dại phát triển trong mùa hè. Trong khi đó, luân canh cây trồng kết hợp với sử dụng phân chuồng hoai mục sẽ thúc đẩy quá trình cải thiện cấu trúc đất và cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây.
Để tối đa hóa năng suất, việc trồng cây cần được tiến hành kịp thời vào đúng thời điểm. Điều này đòi hỏi chính quyền và nông dân phải có các hoạt động chuẩn bị đầy đủ, bao gồm đào hố gieo hạt trước khi bắt đầu mùa mưa và thu mua kịp thời các nguyên liệu đầu vào.
Những cư dân sinh sống tại khu vực Chaitezvi-Gombe ở huyện Seke, tỉnh Mashonaland East, nằm trong số hơn một triệu nông dân đã được đào tạo phương pháp canh tác mới cho đến nay ở Zimbabwe.
"Chúng tôi rất biết ơn Chủ tịch, người đã đưa ra sáng kiến này", nông dân Everisto Chisvo chia sẻ. "Phương pháp canh tác mới giúp ích cho tất cả mọi người. Chúng tôi không cần phải thuê máy cày, thứ tiêu tốn một khoản phí lớn. Bây giờ, mọi người có thể tự đào hố để gieo hạt và trồng cây, từng chút từng chút một trước khi mùa mưa đến".
Chisvo cho biết anh chỉ thu hoạch được một tấn ngũ cốc trên mảnh đất rộng 1,5 mẫu Anh (khoảng 6.000 m2) trong những vụ canh tác trước đây, nhưng năm nay sản lượng dự kiến tăng gấp đôi.
Một nông dân khác, Stella Chaitezvi, tin rằng mô hình thâm canh mới sẽ giúp đảm bảo an ninh lương thực ở cấp hộ gia đình bằng cách tối đa hóa sản lượng ngũ cốc. Nếu được sử dụng đúng cánh, nó thậm chí có thể thay đổi kinh tế nông thôn.
Chính phủ Zimbabwe đặt mục tiêu sản xuất 3,6 triệu tấn ngô (loại ngũ cốc chính) trong vụ mùa 2020-2021, nhiều hơn gấp ba lần sản lượng của vụ mùa 2019-2020 và gấp đôi nhu cầu ngũ cốc hàng năm của nước này là 1,8 triệu tấn cho cả người và gia súc.
Đoàn Dương (Theo Xinhua)