Phương Dung là một trong những giọng ca trữ tình hàng đầu thập niên 1960. Tên tuổi bà gắn liền với những ca khúc được nhiều thế hệ khán giả yêu thích như Hoa nở về đêm, Nỗi buồn gác trọ... Năm 2009, Phương Dung lần đầu về biểu diễn ở Việt Nam sau thời gian dài định cư tại Mỹ. Từ đó đến nay, bà đi đi về về, thỉnh thoảng góp mặt trong một số chương trình ca nhạc.
Ở Mỹ, Phương Dung sống cùng tám người cả con lẫn cháu trong hai căn nhà sát nhau. Nhờ vậy, bà có điều kiện dạy dỗ con, cháu phải luôn hướng về cội nguồn dân tộc và giữ gìn truyền thống của người Việt. Bà cho rằng, không phải đứa trẻ nào sinh ra ở hải ngoại cũng đều "mất gốc", quan trọng nhất vẫn là do sự dạy dỗ của gia đình. "Nhạn trắng Gò Công" tự hào khoe, các cháu của bà từ nhỏ đã được ăn bún riêu, cà pháo mắm tôm, thịt kho... bà nấu, nên đến giờ đứa nào cũng mê món ăn Việt.
Phương Dung bắt đầu về nước từ cách đây 18 năm. Thế nhưng, trong khoảng thời gian đó bà chủ yếu đi từ thiện, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn ở vùng sâu, vùng xa. Chỉ đến khi chính thức trở lại sân khấu quê nhà bốn năm trước, bà mới thường nhận lời đi hát. Đó cũng là một trong những lý do khiến có năm bà ở Việt Nam còn nhiều hơn ở Mỹ.
Phương Dung không sống ở Sài Gòn như các đồng nghiệp khác, mà có một căn nhà tận Bình Dương. Bà sống cùng ba người giúp việc, đến khi có show mới lên thành phố biểu diễn. Hàng ngày, bà chủ yếu quẩn quanh ở nhà, coi sóc cửa hàng bán các loại trái cây đặc sản. Số tiền thu được từ buôn bán bà đều dành hết cho công việc thiện nguyện.
Phương Dung cho rằng, gia tài kếch sù mình có được suốt mấy chục năm ca hát không phải tiền, mà là tình thương và tiếng vỗ tay của khán giả. Ở tuổi 67, bà vẫn luôn hết mình với những nơi khán giả còn chờ đợi. Thế nhưng, một thời gian nữa bà xác định sẽ phải dừng lại. Nhưng danh ca chưa biết chính xác đó là ngày nào.
"Ông bà ta nói, thầy già con hát trẻ. Mình phải dừng lại trước khi người ta nói Mỹ nhân tự cổ như danh tướng / Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu", danh ca bộc bạch.
"Nhạn trắng Gò Công" nghẹn ngào chia sẻ, bà muốn lúc nào khán giả cũng nhớ đến mình với hình ảnh, dáng dấp của người nữ sinh từ tỉnh lẻ Tiền Giang lên Sài Gòn cùng niềm đam mê nghệ thuật. Chính đam mê đó đã đưa bà đến với Nỗi buồn gác trọ, để rồi được khán giả mộ điệu khắp nơi thương mến. Đây cũng là bài hát có nhiều kỷ niệm gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của bà.
Trong đêm Tình khúc vượt thời gian tại Nhà hát Bến Thành (TP HCM) vào 28/9 tới, bà sẽ một lần nữa thể hiện ca khúc này, để cùng người hâm mộ nhớ về những ký ức một thời. Đêm nhạc với chủ đề Tình thu, còn có những đồng nghiệp của Phương Dung từ hải ngoại về như Elvis Phương, Giao Linh, Anh Khoa và các ca sĩ trẻ trong nước.
Phương Dung hát tặng độc giả VnExpress:
Hàn Quốc Việt