Theo phương án trùng tu của TP Bạc Liêu, đồng hồ sẽ được phục hồi các giờ bị mục hỏng; tháo bỏ mặt đá granit trên đồng hồ thay thế bằng đất nung; bố trí hệ thống chiếu sáng nghệ thuật. Cách làm này sẽ bảo tồn được cách đo thời gian dựa trên nắng mặt trời; vật liệu đất nung có thời gian bền vững lâu.
Riêng mặt nền, phần đá granit sẽ được bóc dỡ, xử lý móng và đổ bêtông mặt nền, làm bậc tam cấp đi xuống, dựng hàng rào bảo vệ và hệ thống thu nước, chống ngập. Khuôn viên di tích sẽ trồng hoa, cây cảnh và cắt tỉa thường xuyên để đảm bảo ánh nắng chiếu vào đồng hồ. Kinh phí trùng tu dự kiến hơn 800 triệu đồng. Hiện phương án cải tạo được trình để UBND tỉnh phê duyệt.
Đồng hồ Thái Dương do ông Lưu Văn Lang (còn gọi Bác Vật Lang, 1880-1969), kỹ sư ngành công chánh đầu tiên của Nam Bộ xây dựng năm 1913. Di tích nằm trên đường 30/4, phường 3, TP Bạc Liêu, đối diện Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.
Công trình được xây bằng gạch thẻ. Trên mặt có ba phần: hai khối hình vuông và ở giữa là gờ cao hình chữ nhật nhô ra phía trước, có vạch số La Mã từ một đến mười hai chỉ giờ. Khi ánh sáng chiếu vào gờ cao sẽ chia mặt đồng hồ làm hai mảng sáng - tối. Lằn ranh giới giữa hai mảng này chính là kim chỉ giờ.
Theo Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu, đây là đồng hồ xem giờ bằng ánh nắng duy nhất sót lại ở Việt Nam, độ sai lệch 5-7 phút so với đồng hồ thông thường. Năm 2006, đồng hồ được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh cần bảo tồn.
Hiện phần gạch ở mặt trước đồng hồ bị bong tróc, lồi lõm, các vạch số La Mã chỉ giờ bị mờ, khó nhìn thấy; phần nước sơn bị bong tróc. Phía mặt sau và xung quanh đồng hồ cũng bị rong rêu bám.
An Minh