- Anh lo cho con gái Lavie thế nào khi sống xa cách?
- Tôi ủy quyền cho hai bảo mẫu chăm sóc bé. Hai cha con thường gọi FaceTime nói chuyện vào cuối tuần vì bé đã vào năm học mới, thường học online. Sống trái múi giờ, công việc bận rộn, tôi phải sắp xếp thời gian hợp lý để không ảnh hưởng sức khỏe bé. Thấy con được chăm sóc tốt, ngày một lớn, bắt đầu có thói quen tự lập, tôi an tâm.
Lavie là động lực để tôi phấn đấu. Tôi thương con thường để trong lòng, luôn mong con có cuộc sống đủ đầy và bình yên nhất. Tôi đang từng bước hoàn thiện giấy tờ, thủ tục để đón con sang.. Để sớm đạt được mong muốn đó, tôi cố gắng làm việc mỗi ngày, nhìn mọi thứ tích cực.
Tôi ở bang California - nơi nhiều người đồng hương sinh sống, đồ ăn cũng nhiều nên được an ủi. Đồng tiền kiếm được ở Mỹ chẳng dễ dàng. Tôi lên kế hoạch chi tiêu rất rõ, cái gì cần thiết mới mua, không xài hoang phí như ngày trước. Tôi gác lại những nhu cầu cá nhân như sắm đồ hiệu, đi du lịch... Tôi đang tích góp để cố gắng mua được nhà bên này.
Điều tôi lo lắng nhất lúc này là tình hình dịch bệnh. Tôi thường dặn mọi người ở nhà đi đâu, ăn gì cũng phải hết sức cẩn thận, dù đã được tiêm vaccine cũng đừng chủ quan.
- Cuộc sống của anh hiện thế nào?
- Trước đây tôi làm nhiều việc, đi hát mỗi tuần, khi dịch bùng lên mọi thứ bị ngưng trệ. Kinh tế của tôi chủ yếu dựa vào bán hàng ăn vặt online. Tiền nhà trọ, các hóa đơn, mặt bằng kinh doanh... là những thứ tôi phải đối mặt. Ở Mỹ một ngày không kiếm ra đồng nào, gánh nặng sẽ càng lớn. Việc thuê người phụ giúp phải chi trả không ít, vì tiền công thường tính theo giờ. Để tiết kiệm, tôi cố gắng tự làm mọi thứ, đỡ được khoản nào hay khoản đó.
Tâm lý của tôi bị ảnh hưởng, làm cái gì cũng phải chú ý, cẩn thận. Tôi phòng bệnh kỹ, như có triệu chứng cảm là uống thuốc ngay. Hiện tôi đã được tiêm vaccine nên yên tâm phần nào.
- Bảy năm ở Mỹ, anh trải qua những khó khăn gì?
- Tôi qua đây từ năm 2015, chưa về nước lần nào. Thời gian đầu chật vật, khó khăn đủ đường. Tôi làm nhiều công việc lao động chân tay như bán mỹ phẩm, bưng bê, khuân vác đồ, shipper... Tôi thường dậy rất sớm để đi lấy hàng, mỗi ngày phải hơn trăm món, rồi đi giao khắp nơi. Trước đây nhiều người chạm vào tay tôi đều nhận xét mềm như con gái, giờ thì thô ráp, chai sạn.
Tôi nhớ quê hương, gia đình, người thân, con cái. Tôi thèm các món ăn mẹ nấu. Ngày trước, cứ đi diễn về là có người nấu cơm sẵn, giặt giũ cho, còn qua đây dù là việc nhỏ nhất đều phải tự làm. Những ngày lễ, nỗi buồn trong tôi càng lớn.
Trước mặt nhiều người tôi thường tỏ ra mạnh mẽ, còn khi một mình trong phòng, nhiều đêm tôi bật khóc. Tôi đau bởi không được về gặp người thân, nhìn mặt lần cuối trước khi họ lìa xa cõi trần. Đàn ông rơi lệ không phải là yếu đuối, đôi khi việc này giúp giải tỏa lo lắng kìm nén. Khóc xong, tôi thấy thoải mái.
- Anh giữ liên lạc với người thân ra sao?
- Tôi thường gọi nói chuyện với gia đình qua Facebook, hỏi thăm sức khỏe, công việc. Những lúc như thế tôi nhận lại sự động viên, có thêm động lực để vươn lên.
Xa quê hương, cha mẹ là điều không ai muốn, nhưng vì hoàn cảnh nên phải chấp nhận. Cuộc sống tuy còn khó khăn, nỗi buồn chưa hết nhưng tôi tin mọi thứ diễn ra đều có lý do. Hoàn cảnh sống đã rèn luyện cho tôi sự cứng cỏi, gai góc và trưởng thành lên nhiều. Đến giờ, tôi vẫn không hối hận hay nuối tiếc gì về quyết định sang Mỹ ngày đó. Tôi biết trách nhiệm của mình hiện tại là lo cho gia đình nên không được nản chí hay yếu đuối.
Tôi có bạn bè nhưng không phải chuyện gì cũng có thể chia sẻ. Những lúc buồn tôi thường nghe nhạc, tập thể dục hoặc dạo biển. Hiện công việc đã chiếm hết thời gian nên tôi không còn nhiều tâm trí để nghĩ ngợi chuyện khác. Đến khuya khi đặt lưng xuống giường, tôi mới suy ngẫm.
- Điều gì khiến anh quyết định trở lại với âm nhạc gần đây?
- Đã hơn một năm tôi mới quay lại với âm nhạc. Tôi phát hành MV Kiếp xa quê (sáng tác Đông Thiên Đức) nói về nỗi lòng của những người đi làm ăn xa, từng phải đối mặt chuyện đố kỵ, hơn thua. Tôi làm sản phẩm không phải để gây chú ý, mong chạy show, mà đơn giản muốn tâm sự, chia sẻ với người cùng cảnh ngộ. Làm nghệ thuật ở Mỹ khó gấp 10 lần trong nước. Tôi phải tự lo mọi thứ như tìm ê-kíp, diễn viên, địa điểm quay, tích góp tài chính cả nửa năm mới dám làm.
Tôi từng đi hát nhiều nơi, từ thành phố đến khu hẻo lánh, phòng trà, đoàn lô tô... cứ ai cần là tôi xuất hiện. Ba mẹ từng cấm cản tôi đi hát nhưng giờ lại quay sang ủng hộ tuyệt đối. Ở Mỹ tôi vẫn đi hát vào cuối tuần, quay phim ngắn, tiểu phẩm hài. Âm nhạc chưa bao giờ mất đi trong tôi.
Tôi hát nhiều năm nhưng khán giả nhìn nhận nhiều hơn ở vai trò diễn viên, đôi khi thấy hơi chạnh lòng. Rồi tôi nhận ra, tổ nghiệp đã rất ưu ái, cho mình nhiều may mắn ở con đường diễn xuất, còn ca hát phải có duyên và nỗ lực nhiều hơn. Đến nay tôi cố gắng giữ đam mê, dù không nổi tiếng quá mức nhưng ít ra vẫn có người biết và nhớ đến.
Tân Cao