Đề xuất trên vừa được nêu trong dự án Cộng đồng ven biển thông minh thích ứng với biển đổi khí hậu Việt Nam do Chính phủ Canada tài trợ cho tỉnh Bình Định với số tiền 1,75 triệu đô la Canada (gần 27 tỷ đồng) qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).
Bốn ha rạn san hô dự kiến được phục hồi thuộc bốn xã, phường gồm Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và Ghềnh Ráng. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc, các rạn san hô này trước đây đã được sở kiểm tra và lên kế hoạch tái tạo nhằm phát triển bền vững môi trường.
Ngoài phục hồi rạn san hô, dự án sẽ trồng 50.000 cây rừng ngập mặn phân tán tại các huyện ven biển Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ; lắp đặt và hỗ trợ 6-8 trạm cảnh báo sớm về biến đổi khí hậu. Dự án cũng hỗ trợ làm du lịch cộng đồng ở Cồn Chim (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên.
Với hơn 36.000 ha mặt biển, vịnh Quy Nhơn được đánh giá có điều kiện thuận lợi hình thành hệ sinh thái, tiềm năng đa dạng sinh học, gồm cỏ biển, rạn san hô. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, biển Quy Nhơn có 720 loài thuộc hơn 350 giống và trên 160 họ của 7 nhóm sinh vật chính, khoảng 150 ha rạn san hô phân bố ven bờ và các đảo.
Phạm Linh