Ngày 26/3, ông Trần Văn Minh, phó ban quản lý di tích cầu Hiền Lương (Quảng Trị) cho biết vừa hoàn thành việc phục dựng sơn hai màu xanh-vàng theo đúng màu sắc của cầu trong thời kỳ đất nước chưa thống nhất. Cầu Hiền Lương được Pháp xây dựng năm 1952 với chiều dài 178 m, có 7 nhịp, trụ bằng bê tông cốt thép, thân cầu bằng thép, mặt cầu lát bằng ván gỗ thông. Trong bút ký của nhà văn Nguyễn Tuân, cây cầu có 2 màu sơn khác nhau với 894 tấm ván, trong đó phía bắc 450 tấm và phía nam 444 tấm. Cây cầu được sơn trong ba tuần bởi một nhóm thợ gồm 10 người. Theo Hiệp định Genève 1954, Việt Nam tạm thời chia làm hai miền và lấy vĩ tuyến 17 với con sông Bến Hải làm ranh giới. Cũng từ đây, cầu Hiền Lương trở thành chứng nhân lịch sử của 20 năm chia cắt đất nước. Xung quanh việc phục dựng hai màu cầu Hiền Lương có hai ý kiến trái chiều. Cuối cùng, nhằm tạo điểm nhấn cho khu di tích, đồng thời giáo dục ý nghĩa và giá trị của thống nhất, toàn vẹn non sông, ý kiến phục dựng hai màu cầu được đa phần đồng ý. Việc phục dựng màu sắc đã tham vấn ý kiến của nhiều nhân chứng lịch sử, với màu xanh hòa bình ở phía bắc, màu vàng ở phía còn lại. Từ 1954 đến 1967 - thời điểm bị bom Mỹ đánh sập, cầu Hiền Lương được chia thành hai, một nửa phía bắc do Công an giới tuyến của miền Bắc quản lý, nửa phía nam thuộc chính quyền Sài Gòn. Trong thời gian tồn tại, trên cầu Hiền Lương từng diễn ra "cuộc chiến màu sơn" quyết liệt. Ban đầu, cầu có màu đỏ ở phía bắc và xanh ở phía đối diện. Với khát vọng thống nhất, phía bờ bắc sơn lại màu xanh thì bờ nam sơn vàng. Cuộc chiến màu sơn kéo dài mãi đến 1960 thì giữ nguyên 2 màu xanh-vàng. Việc phục chế hai màu sơn cầu Hiền Lương như đã từng tồn tại trong lịch sử cũng là để thế hệ trẻ hiểu sâu sắc thêm về một giai đoạn đấu tranh gian khổ với khát vọng mãnh liệt về sự thống nhất của đất nước. Để đi qua lằn sơn trắng này, dân tộc Việt Nam đã bền bỉ trong 20 năm. Trong những năm đầu của thời kỳ chia cắt, ngoài "cuộc chiến về màu sơn”, tại đây còn diễn ra “chọi loa”, “chọi cờ”. Đến nay, di tích cầu Hiền Lương lịch sử được phục chế với cổng chào, nhà liên hiệp, đồn công an giới tuyến, tháp canh... Lễ hội “Thống nhất non sông” diễn ra vào tháng 4 hàng năm ở đây cũng được nâng tầm quốc gia. Tháng 12/2013, cầu Hiền Lương được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2001, cầu Hiền Lương được phục dựng để phục vụ du lịch. Tuy vậy, trong hơn 10 năm qua, cây cầu chỉ được sơn một màu sắc duy nhất. Đây là lần đầu tiên, cầu được phục dựng 2 màu sơn. Mỗi năm có khoảng 20 nghìn lượt khách đến tham quan cầu Hiền Lương. Một cây cầu bê tông được xây dựng ngay bên cạnh để phục vụ giao thông. Quang HàDựng lại cột cờ Hiền Lương Hoàn thành phục chế cầu Hiền Lương