Các nhà nghiên cứu phục dựng gương mặt Mary Magdalene. Video: National Geographic.
Ở thị trấn từ thời Trung cổ tại miền nam nước Pháp, hầm mộ nằm bên dưới nhà thờ chứa một trong những bộ hài cốt nổi tiếng nhất thế giới gồm hộp sọ và những chiếc xương thuộc về Mary Magdalene, người được cho là vợ Chúa Jesus theo một số giả thuyết. Một nhà khoa học và một họa sĩ đã dựa vào bộ hài cốt để phục dựng hình dáng gương mặt của người phụ nữ khi còn sống, National Geographic hôm 12/9 đưa tin.
Việc phục dựng chân dung dựa trên mô hình vi tính của hộp sọ, khắc họa một người phụ nữ có chiếc mũi nhọn, xương gò má cao và gương mặt tròn. Đối với những người tin tưởng bộ xương thuộc về Mary Magdalene, đây là gương mặt của một trong những người phụ nữ nổi tiếng nhất trong Thiên Chúa giáo.
“Chúng tôi hoàn toàn không chắc chắn đây thực sự là hộp sọ của Mary Magdalene”, Philippe Charlier, nhà nhân chủng sinh vật học ở Đại học Versailles, cho biết. “Nhưng điều quan trọng là khiến nó thoát khỏi tình trạng vô danh”. Charlier tiến hành công tác phục dựng cùng với Philippe Froesch, một họa sĩ pháp y.
Từ lâu, Mary Magdalene đã trở thành nhân vật gây tranh cãi trong nhà thờ Thiên Chúa giáo. Bắt đầu từ thế kỷ 5, bà được mô tả như một gái điếm trong khi những giả thuyết chưa được chứng minh cho rằng bà là vợ Chúa Jesus.
Năm 2004, trong một cuộc phỏng vấn với National Geographic, giáo sư Karen King ở Trường Thần học thuộc Đại học Harvard, Mỹ, nhấn mạnh chứng cứ mang tính kết luận duy nhất về vai trò của Magdalene chỉ ra bà là một môn đồ của Chúa Jesus. Tại thời điểm đó, King kết luận Magdalene đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển những nền tảng đầu tiên của Cơ Đốc giáo.
Tin đồn hài cốt của bà nằm ở miền nam nước Pháp thu hút nhiều sự chú ý vào năm 1279, khi Rebecca Lea McCarthy đề cập tới trong cuốn sách Origins of the Magdalene Laundries. Dù thiếu bằng chứng về hài cốt của Mary Magdalene, Froesch và Charlier muốn dựng lại gương mặt của hộp sọ nổi tiếng.
Cả hai bắt đầu quan tâm tới hộp sọ ba năm trước khi Froesch tới miền nam nước Pháp để phục dựng một mẫu vật khác. Ông đi vòng qua thị trấn nhỏ và trong khi tham quan nhà thờ, ông khám phá hầm mộ nơi hộp sọ được lưu giữ phía sau một hộp kính.
Từ khi hộp sọ được nghiên cứu lần cuối cùng năm 1974, chiếc hộp kính đã được khóa chặt. Các nhà nghiên cứu khắc phục điều này bằng cách chụp hơn 500 bức ảnh hộp sọ ở những góc khác nhau. Dựa trên số ảnh này, họ có thể tạo ra mô hình 3D trên máy vi tính của gương mặt với những đặc điểm như kích thước hộp sọ, xương gò má và cấu trúc gương mặt.
Từ thông tin này, họ có thể nhận thấy hộp sọ thuộc về một người phụ nữ chết ở độ tuổi khoảng 50 và có gốc tích Địa Trung Hải. Hình dáng mũi và những đặc trưng khác được xác định thông qua sử dụng tỷ lệ lượng giác học dựa trên các đặc điểm thống nhất với niên đại, giới tính và sắc tộc của hộp sọ.
Những bức ảnh chụp tóc trên hộp sọ chỉ ra người phụ nữ có mái tóc màu nâu sẫm và nước da được xác định dựa trên màu da thường thấy ở phụ nữ Địa Trung Hải. Một loại đất sét sử dụng để phòng chấy rận cũng được tìm thấy trên những sợi tóc.
Một số đặc điểm như trọng lượng và biểu cảm gương mặt được tái tạo theo cách diễn giải của Froesch và Charlier. Theo Froesch, quá trình phục dựng được phát triển dựa trên những kỹ thuật pháp y mà Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thường sử dụng trong điều tra tội phạm.
Trong tương lai, Charlier dự định thực hiện nhiều nghiên cứu hơn về hộp sọ ở ngoài hộp kính. Những kỹ thuật như xác định niên đại bằng đồng vị carbon có thể giúp xác định độ tuổi của mẫu vật nhưng chỉ áp dụng được khi lấy một phần nhỏ hộp sọ ra, điều không được nhà thờ Thiên Chúa giáo cho phép. Ông cũng hy vọng một ngày nào đó có thể kiểm tra ADN của hài cốt để xác định gốc tích địa lý.
Froesch chia sẻ khả năng họ có thể đang làm việc với hài cốt của một người nổi tiếng khiến họ rất xúc động. Dù mới chỉ dựng lại được gương mặt, cả nhóm kỳ vọng có thể tái hiện toàn bộ cơ thể từ những chiếc xường sườn và xương đùi đi kèm với hộp sọ.
Phương Hoa