Ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Ban quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, cho biết cuối tháng 6, năm chuyên gia Viện Khảo cổ học Ấn Độ (ASI) sẽ đến phật viện Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, một tháng để đo vẽ nền móng, lập hồ sơ thiết kế, phục dựng di tích. Dự kiến dự án bảo tồn, phục dựng phật viện Đồng Dương được triển khai trong năm 2024. ASI sẽ đồng thời khai quật khảo cổ và phục dựng kết cấu kiến trúc cổng chính và hai cổng phụ.
Trước đó cuối tháng 4, đoàn chuyên gia ASI đến khảo sát và đánh giá ban đầu về thực trạng, định hướng công tác bảo tồn, phục dựng phật viện Đồng Dương. Các chuyên gia thống nhất tu bổ và phục dựng một cổng chính, hai cổng phụ và tường thành hai bên. Việc này góp phần phục hồi diện mạo, quy mô di tích, không ảnh hưởng đến việc khai quật khảo cổ học và tu bổ tháp Sáng ở phía trong.
Theo thiết kế ban đầu, cổng chính nằm ngay lối vào phật viện với khối lượng xây lắp, tu bổ lớn bằng bốn tháp Chămpa thông thường. Đây sẽ là điểm nhấn của toàn bộ phật viện, là biểu tượng tiêu biểu của giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ, dấu ấn của phật giáo Chămpa và khu vực Đông Nam Á thời trung đại.
Hai cổng phụ quy mô nhỏ hơn, kiến trúc tương đồng nằm phía trong của phật viện, nơi phân chia ba khu gồm: Tăng xá (nơi ở của tân sinh); giảng đường và chánh điện (nơi có đền thờ chính).
Theo nội dung tấm bia tìm thấy tại làng Đồng Dương, phật viện được vua Indravarman II xây dựng vào năm 875 để thờ vị Bồ tát bảo hộ cho vương triều là Laksmindra - Lokesvara.
Vào những năm đầu của thế kỷ 20, các nhà khoa học Pháp đã khai quật được hàng trăm tác phẩm điêu khắc, phần lớn đang được trưng bày ở Bảo tàng Chăm Đà Nẵng. Nổi bật nhất là tượng Phật bằng đồng cao hơn một mét, được xem là kiệt tác nghệ thuật trong điêu khắc Chămpa khu vực Đông Nam Á.
Năm 1902, nhà nghiên cứu H.Parmentier đã khai quật phật viện Đồng Dương. Theo khảo tả của H.Pramentier, toàn bộ khu đền thờ chính và các tháp nằm lân cận phân bố trên một trục từ tây sang đông, dài khoảng 1.300 m. Khu đền thờ chính nằm trong khu vực hình chữ nhật dài 326 m, rộng 155 m, xung quanh có tường gạch bao bọc. Từ khu đền chính có một con đường dài khoảng 760 m chạy về phía đông đến một thung lũng hình chữ nhật.
Các nhà khảo cổ đã phát hiện dấu vết chánh điện, nền gạch của khu tăng xá, giảng đường nối nhau trên một chu vi rộng lớn. Những viên ngói dùng lợp cho các khu xây dựng cũng được phát hiện rải rác, chứng minh đây là mô hình phật viện khép kín rất lý tưởng cho việc đào tạo tăng tài.
Trong chiến tranh, phật viện đã bị tàn phá, hiện chỉ còn mảng tường tháp Sáng cùng với nền móng công trình kiến trúc và một số vật trang trí bị vùi lấp. Nhiều hiện vật tìm thấy ở phật viện Đồng Dương đã được công nhận là bảo vật quốc gia, hiện trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chămpa Đà Nẵng.
Đầu tháng 12/2019, phật viện Đồng Dương được công nhận di tích quốc gia đặc biệt. Cuối năm 2022, Quảng Nam phê duyệt dự án bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích với vốn đầu tư hơn 5 tỷ đồng.