Dự án do tổ chức Trái tim Người lính Việt Nam phối hợp câu lạc bộ Mãi mãi tuổi 20 thực hiện. Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng - người sáng lập tổ chức - cho biết việc phục dựng mất nhiều thời gian do hình ảnh về các cô rất ít, phải dựa vào tư liệu còn sót lại và mô tả của gia đình. Thậm chí, liệt sĩ Nguyễn Thị Thi (1950-1966) tử trận khi mới 16 tuổi, không để lại di ảnh nào. Nhóm họa sĩ phải đối chiếu từ bức hình đen trắng đặt tại đền thờ 10 cô gái để làm ảnh màu.
Các liệt sĩ gồm Nguyễn Thị Oánh (1942-1966), Vũ Thị Phương (1943-1966), Phạm Thị Lan (1944-1966), Trần Thị Thẹp (1944-1966), Phạm Thị Tuyết (1947-1966), Đinh Thị Tâm (1948-1966), Đặng Thị Chung (1947-1967), Nguyễn Thị Thuận (1948-1966), Nguyễn Thị Thu (1948-1966), Nguyễn Thị Thi (1950-1966).
Trong đó Nguyễn Thị Thu và Nguyễn Thị Thi là hai chị em, hy sinh cùng ngày. Liệt sĩ Nguyễn Thị Oánh vốn là cô giáo, ra trận khi vừa lập gia đình, chưa kịp có con.
Những năm 1965-1967, xã Lam Hạ (nay là phường Lam Hạ, tỉnh Hà Nam) là một trọng điểm trên tuyến đường từ hậu phương miền Bắc, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam. Vì vậy, nơi đây bị quân Mỹ dội bom ác liệt suốt ngày đêm. Để bảo vệ địa bàn này, ngày 5/8/1965, Đại đội dân quân phòng không xã Lam Hạ được thành lập, gồm 87 người tuổi từ 16 đến 24.
Trong gần một năm, các dân quân của hai thôn Đình Tràng, Đường Ấm đã ngã xuống trong lúc chiến đấu. Khác với 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc, 10 liệt sĩ Lam Hạ qua đời ở trận địa, thời gian khác nhau. Có cô nằm xuống tại mâm pháo, người mất ở bệnh xá.
Ông Đặng Vương Hưng cho rằng việc phục dựng di ảnh giúp các thế hệ, đặc biệt là người trẻ hiểu hơn về những năm tháng chiến đấu anh dũng của các cô. Hình ảnh sẽ được tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vào ngày 23/7, dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7.
Hồi tháng 4, tổ chức Trái tim người lính Việt Nam từng phối hợp tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và câu lạc bộ Mãi mãi tuổi 20 giới thiệu chương trình phục dựng di ảnh của những anh hùng liệt sĩ, văn nghệ sĩ, trí thức trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ như Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Ngọc Vân, Thâm Tâm, Nguyễn Thi.
Phương Linh