Những ngày này, linh vật của World Cup 2014 trở thành đề tài sáng tác chính của ông Tâm. Chú Tatu Fuleco linh vật chính thức của giải vô địch bóng đá thế giới được ông dụng công đầu tư bằng nhiều quả trứng đà điểu, trứng vịt, trứng gà, trứng cút... Những chú Pokemon màu vàng dễ thương trong phim hoạt hình Pikachu được liên đoàn bóng đá Nhật Bản chọn làm đại diện cho đội tuyển quốc gia của họ cũng góp mặt trong bộ sưu tập của người đàn ông 63 tuổi này.
Hơn 10 năm miệt mài "làm xiếc" với vỏ trứng, ông Tâm đã cho ra đời khoảng 600 tác phẩm độc đáo bằng loại vật liệu mong manh, dễ vỡ này. Trong căn phòng nhỏ tại khu chung cư cũ Nguyễn Văn Lượng 2 (quận Gò Vấp, TP HCM), những chồng sách được sắp xếp bên ngoài để nhường lại giá sách trưng bày những tác phẩm tâm huyết cả đời của ông Tâm.
Cơ duyên đưa ông đến với công việc này khá tình cờ. Năm 2002, sau khi thôi việc ở một công ty nước ngoài, ông Tâm trở về với công việc gõ đầu trẻ, nhận dạy kèm tiếng Anh tại nhà. Trước đó, ông từng có thời gian dài là giáo viên dạy Âm nhạc, Anh văn ở trường Marie Curie, quận 3, TP HCM. Tiếp tục nghề cũ sau một thời gian dài gián đoạn, ông phải tìm những phương pháp dạy mới lạ để thu hút học trò.
“Để bài giảng trực quan sinh động, tôi nghĩ mình cần làm ra các mô hình, các nhân vật trong sách giáo khoa giúp học trò dễ tiếp thu và hào hứng hơn với việc học”, ông nhớ lại.
Ban đầu ông Tâm làm các mô hình bằng nhiều chất liệu. Khi đến bài giảng về lễ Giáng sinh, nhớ lại ngày nhỏ mình từng làm con lật đật bằng vỏ trứng trong tiết học thủ công, ông Tâm quyết định thử nghiệm làm ông già Noel bằng vỏ trứng. Sau khi nhân vật đầu tay được học trò thích thú đón nhận, ông Tâm mày mò làm các nhân vật khác như ông địa, 12 con giáp... Nhận thấy loại vật liệu phổ biến, rẻ tiền này có thể áp dụng để làm nhiều nhân vật, nhiều hình tượng nghệ thuật phong phú, ông bắt đầu hành trình tạo hình vỏ trứng từ đó.
Ảnh: Tác phẩm độc đáo bằng vỏ trứng
Những con vật ngộ nghĩnh từ trang sách, từ phim hoạt hình, báo chí... dưới óc tài hoa và đôi bàn tay khéo léo của ông Tâm đã bước ra đời sống thực, trở nên gần gũi, sống động và có hồn. Các tủ trưng bày nhà ông trở thành một vườn thú thu nhỏ với những con heo, gà, trâu, bò, đà điểu, hươu, nai, hổ, báo, sâu, kiến, thạch sùng, khủng long, chim cánh cụt, gấu trúc Panda, chuột Mickey, mèo Đoraemon... Mỗi dịp Tết, ông lại cặm cụi làm ra những ông đồ, những bộ sưu tập con giáp của năm đó với đủ mọi tư thế, hình thù biểu cảm.
Một đề tài ông theo đuổi khá xuyên suốt và nổi bật là linh vật trong các giải đấu, các sự kiện thể thao như World Cup, Euro, Seagames, Olympics... Những câu chuyện, nhân vật lịch sử được ông tái hiện qua hình tượng Đinh Bộ Lĩnh phất cờ bông lau dẹp loạn 12 sứ quân, Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận... Các câu chuyện dân gian được ông gửi đến học trò qua các tác phẩm ngộ nghĩnh Đám cưới chuột, Thỏ và Rùa... Bài học về những sự kiện kỷ niệm trọng đại của đất nước, những ngày lễ, những nhân vật nổi tiếng thế giới như Tổng thống Mỹ Obama, anh chàng không tay Nick Vujic, vua hề Charles... cũng được gửi gắm qua hình ảnh.
Là người đi đầu trong việc tạo hình vỏ trứng, đồng nghĩa với việc ông Tâm phải tự thân vận động tất cả mọi thứ chứ không có khuôn mẫu để nương theo. Trứng cút muốn làm trắng sạch như trứng gà cần phải nghĩ cách xử lý ngâm qua chanh. “Ban đầu khi vỏ trứng đứng không vững, khó tô màu, mình nghĩ ra cách gắn cục chì vào bên trong để tạo sự thăng bằng, lắc lư theo ý thích. Nghề dạy nghề, mình phải đổ mồ hôi tự thử nghiệm nhiều lần mới rút được kinh nghiệm”, ông chia sẻ.
Tạo hình bằng vỏ trứng đã khó, càng khó hơn là phải thể hiện được cái hồn, cái duyên của tác phẩm bằng việc trang trí, điểm nhãn. Từ một bức tranh trên sách, báo, Interent, ông phải suy nghĩ, sáng tạo mới đưa vào thực tế được. Mọi thứ phải được tính toán kỹ lưỡng vì nếu đã làm mà có sơ suất gì thì rất khó sửa chữa. Khi bắt gặp mỗi quả trứng có hình dạng tròn, dẹt khác nhau, ông phải để ý và định hình sẵn nó dùng làm gì. Ví dụ muốn làm con chuột phải chọn vỏ trứng cút có đầu nhọn. Làm quả banh phải chọn vỏ trứng thật tròn hoặc ghép hai nửa quả trứng lại cho thật khít.
Công việc đòi hỏi ông phải sáng tạo, rèn được tính kiên nhẫn và đặc biệt là sự quan sát, thấu hiểu đặc tính của từng hình tượng. Có lần ông phải đến Hóc Môn để được tận mắt xem và cảm nhận được cái hồn của con trâu thật ngoài đời thường. “Dịp Tết Giáp ngọ vừa rồi tôi tìm đến trường đua Phú Thọ để xem con ngựa nhưng đến nơi mới biết trường đua đóng cửa được 2 năm rồi”, ông kể lại một kỷ niệm vui.
Từng ấy tác phẩm ra đời đồng nghĩa với việc trong ngần ấy năm, ông Tâm phải tiêu thụ một số lượng trứng đáng kể. Để có được vỏ, nhiều lúc ngán không nuốt nổi trứng nhưng ông vẫn cố ăn. “Tôi có một lực lượng phụ giúp ăn trứng là hàng xóm, học trò. Với trứng đà điểu, nhiều người sợ không dám ăn, tôi phải tìm hiểu, đọc những bài báo để thuyết phục lợi ích của nó cho mọi người an tâm. Làm công việc này, tôi trở thành 'thợ chế biến trứng' với đủ các món”, ông cười xuề xòa.
Từ mục đích dạy học trò, giờ đây việc tạo hình vỏ trứng đã trở thành niềm đam mê, lẽ sống, niềm vui tuổi già của ông. Cậu học trò khi là học sinh trường Petrus Ký (nay là trường chuyên Lê Hồng Phong) từng trốn mẹ đi thi vào trường Mỹ thuật nhưng không được đồng ý cho học, giờ đây lại có cơ hội tiếp nối đam mê hội họa. Không ít lần vợ con cằn nhằn công việc "tốn công mà không làm ra tiền", lại ảnh hưởng sức khỏe vì thường xuyên bỏ bữa, thức đêm thức hôm, nhưng sau thời gian dài chứng kiến niềm đam mê tột độ của ông đã thỉnh thoảng quay sang phụ giúp.
Càng cận kề tuổi thất thập, ông càng cháy bỏng hy vọng có người tiếp nối niềm đam mê cũng như có một nơi trưng bày riêng để bảo quản tốt những tâm huyết cả cuộc đời mình. Do chưa có những tủ đặc thù nên việc bày biện tác phẩm của ông vẫn chưa như ý muốn, tác phẩm dễ bị bụi bẩn, bị chuột cắn phá.
Niềm vui của ông là không ít học trò nhờ thầy chỉ cách thực hiện đã làm được quà tặng người thân, bạn bè. Và ông giáo về hưu vẫn ngày ngày thắt lưng buộc bụng để "có tiền mua trứng", say mê với từng đường nét trên vật liệu tưởng chừng vô tri vô giác, nuôi ước mơ được mang ngôi nhà của mình hội nhập ra thế giới.
Lê Phương