![]() |
Trang trại sinh thái của Trịnh Nguyên Thủy trước khi bị giải toả. |
Theo Viện, đây là lần đầu tiên heroin được phát hiện sản xuất tại Việt Nam. Trong vụ án Trịnh Nguyên Thủy, còn có dấu hiệu rửa tiền. Đây cũng là những hành vi của loại tội phạm mới, nghiêm trọng.
Nhưng, VKSND và Công an tỉnh Phú Thọ đã không đồng ý với đề nghị trên. Quan điểm của hai cơ quan này là mọi hành vi sản xuất, vận chuyển, buôn bán ma túy, rửa tiền… của Trịnh Nguyên Thủy đều có liên quan chặt chẽ tới gian đoạn 2 của vụ án ma túy cực lớn mà Phú Thọ đang điều tra. Nếu tách riêng hành vi của Thủy thì vụ án sẽ khó có thể được xem xét toàn diện.
Ngày 17/8, ông Lê Hữu Thể, Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Thọ cho biết, Viện đã có văn bản phản hồi lên VKSND Tối cao đề nghị xem xét lại và xin ý kiến chỉ đạo.
Liên quan Trịnh Nguyên Thủy, UBND Hà Nội vừa yêu cầu kiểm tra và dừng xem xét mọi vấn đề liên quan việc giải quyết các nhu cầu của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Sơn Thủy.
Trong diện tích trên 44.000 m2 đất tại trang trại Sơn Thủy (thuộc công ty) nằm trong dự án Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Từ Liêm đã đền bù trên 4.000 m2 (giá đền bù là 130.000 đồng/m2) cho 6 hộ dân bán đất nông nghiệp cho Sơn Thủy.
Diện tích còn lại hơn 40.000 m2, Sơn Thủy thuê của HTX 1/5 (Mễ Trì) 26.000 m2 ao; diện tích trang trại tự nhận khai hoang khoảng 8.800 m2 và mua lại của những hộ dân tăng gia 5.000 m2.
Như vậy số đất mà trang trại này thực sử dụng là trên 17.000 m2 (được đền bù 4.000 m2). Trang trại Sơn Thủy đề nghị Hà Nội đền bù diện tích còn lại trên 13.000 m2 với giá 130.000 đồng/m2, tương đương 1,7 tỷ đồng. Ngoài ra Sơn Thủy còn đề nghị được hỗ trợ công tôn tạo đất với tổng diện tích 44.000 m2 (tương đương hàng trăm triệu đồng).
Khối công trình kiến trúc của trang trại Sơn Thủy với giá trị 14 tỷ đồng, hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Từ Liêm chỉ đồng ý hỗ trợ 10% công di chuyển. Nhưng Công ty Sơn Thủy đề nghị được đền bù 100%. Bên cạnh đó còn có việc xin hỗ trợ ngừng sản xuất kinh doanh, trợ cấp mất việc...
Ông Lê Quý Đôn (Phó chủ tịch UBND Hà Nội) cho biết, tất cả những đề nghị này đều không được xem xét. Điều này có nghĩa là khoảng gần 20 tỷ đồng mà Công ty Sơn Thủy đề nghị được hỗ trợ sẽ không được tính đến.
Việc xem xét các thủ tục để giao đất cho Sơn Thủy cũng dừng lại. Trước đó, doanh nghiệp này đã có văn bản gửi UBND huyện Đông Anh xin liên hệ tìm địa điểm đầu tư dự án mới (khoảng 15 ha).
Công ty nhắm tới khu đất giáp ranh giữa xã Nam Hồng và Kim Chung, huyện Đông Anh (dọc đường Bắc Thăng Long - Nội Bài). Ngày 18/8, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm cho biết, công ty đã về địa phương làm việc. Tuy nhiên địa điểm cụ thể vẫn chưa rõ.
Như vậy, số tài sản khổng lồ trị giá hàng chục tỷ đồng mà “ông trùm” Trịnh Nguyên Thủy và một số cộng sự đầu tư vào khu du lịch sinh thái Sơn Thủy đến nay mới được đền bù trên 200 triệu đồng (tiền cây cối).
(Theo Tiền Phong)