Trả lời báo chí chiều 22/5, ông Đặng Việt Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, cho biết tại khu vực ngã ba sông Hồng và sông Đà giáp huyện Ba Vì hiện có 5 doanh nghiệp được cấp phép khai thác với tổng trữ lượng hơn 5 triệu m3 cát, công suất gần 250.000 m3/năm.
5 doanh nghiệp đăng ký 19 phương tiện khai thác và thực tế mới sử dụng 14. Số tàu tại ngã ba sông lên tới hàng trăm chiếc, theo ông Thắng, là tính cả tàu neo đậu chở cát, chứ không phải toàn bộ tàu hút cát.
Tỉnh Phú Thọ đã xây dựng hệ thống giám sát phương tiện khai thác khoáng sản đối với hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông và vận hành từ tháng 10/2021. Thiết bị lắp đặt trên phương tiện khai thác được kết nối với phần mềm lắp tại Sở Tài nguyên và Môi trường, tự động truyền dữ liệu định vị phương tiện về hệ thống theo thời gian thực với thông tin: Biển số, vị trí, vùng khai thác được cấp phép và cảnh báo khi vượt qua ranh giới cho phép.
Là doanh nghiệp khai thác cát tại lòng sông Đà đối điện với xóm Bãi, xã Phong Vân, huyện Ba Vì, nơi bị sạt trượt khoảng 900 m đê kè, làm 42 hộ dân bị lún nứt, ông Nguyễn Công Định, Giám đốc Công ty TNHH Tiến Nga, cho hay chỉ duy trì ở khu vực 2 tàu hút cát đã được đánh số và khoảng 15 tàu chuyên chở cát. "Chúng tôi tuân thủ quy định của tỉnh về khai thác khoáng sản, không hút cát ngoài khu vực được cấp phép và chỉ hút lúc 7h-17h", ông Định nói.
Phản hồi việc huyện Ba Vì nói khai thác cát làm sạt lở bờ kè, nhà dân, cả Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và Giám đốc Công ty TNHH Tiến Nga cho biết chưa nhận được thông tin từ phía huyện Ba Vì và TP Hà Nội. Để đánh giá đúng cần có khảo sát nghiên cứu từ cơ quan chuyên môn. Sở sẽ giao đơn vị chuyên môn rà soát và tham mưu tỉnh có giải pháp phù hợp.
Trước đó UBND huyện Ba Vì gửi UBND TP Hà Nội phản ánh tình trạng khai thác cát trên sông Đà, sông Hồng ở các vị trí giáp ranh hai tỉnh diễn ra công khai, tấp nập. Hàng chục tàu hút cát hoạt động hết công suất suốt ngày đêm, các tàu thuyền chờ vào lấy cát neo đậu đặc kín quanh khu vực tàu hút đang hoạt động.
Trong khi đó đây là vị trí ngã ba sông, nơi hợp lưu của sông Đà và sông Hồng. Tình trạng hút cát đã làm ảnh hưởng đến lòng sông, gây biến đổi dòng chảy làm sạt trượt chân kè và nứt đường đỉnh kè, tường rào, tường nhà và công trình dân sinh bị ảnh hưởng.
"Việc khai thác khoáng sản (cát) thuộc tỉnh Phú Thọ giáp ranh với Ba Vì, tuy nhiên huyện không được cung cấp tài liệu hồ sơ cấp phép về hoạt động khai thác (nếu có) để phối hợp quản lý, giám sát. Do vậy, chính quyền địa phương và nhân dân trong khu vực rất lo lắng", theo báo cáo từ UBND huyện Ba Vì.
Võ Hải