Từ sau ngày đất nước hòa bình đến nay, đảo ngọc Phú Quốc luôn được quan tâm đầu tư để khai thác tiềm năng và lợi thế. Tuy nhiên, vẫn còn đó một số trở ngại kìm hãm sự phát triển của Phú Quốc, trong đó có vấn đề về điện. Lâu nay, Phú Quốc vẫn sử dụng nguồn điện từ nhà máy nhiệt điện nên chi phí cao, kém ổn định. Thế nên, với việc đầu tư hệ thống cáp ngầm xuyên biển đưa điện lưới quốc gia ra đảo ngọc, Phú Quốc đã như được tiếp thêm sức mạnh để chuẩn bị cho quá trình trở thành đặc khu kinh tế của cả nước. Và hơn hết, đời sống người dân từ ngày có điện lưới quốc gia cũng sẽ được cải thiện, nhất là đối với bà con ở vùng sâu, vùng xa trên đảo. Mùa xuân 2014 này là mùa xuân nhiều niềm vui và nhiều đổi mới đối với người dân đất đảo.
Bờ Hà Tiên với bờ Phú Quốc giờ đã không còn quá xa xôi vì sợi cáp ngầm dài hơn 57km đã nối đôi bờ. Sợi cáp ngầm cũng hiện thực hóa ước mơ có điện lưới quốc gia của người dân đảo ngọc. Giấc mơ dài, niềm khao khát nhiều thập kỷ qua giờ đang thành sự thật. Dòng điện lưới quốc gia làm sáng bừng lên sắc xuân trên đảo ngọc và cũng mang đến những kỳ vọng, rằng Phú Quốc rồi sẽ chuyển mình!
Dự án cáp ngầm đưa điện lưới quốc gia ra đảo Phú Quốc bắt đầu triển khai lập dự án đầu tư vào năm 2007. Việc sản xuất cáp, xây dựng các hạng mục công trình phụ trợ đều lần lượt được thực hiện và hoàn tất sau đó. Ngày 17/11/2013, tuyến cáp ngầm 110kV Hà Tiên - Phú Quốc được khởi công thực hiện. Đây là hạng mục công trình cuối cùng trong dự án đầu tư đưa điện lưới quốc gia từ đất liền ra đảo Phú Quốc. Tính phức tạp của kỹ thuật rải và chôn cáp đồng thời cũng rất cao, được thực hiện hoàn toàn tự động tuân thủ chế độ giám sát, kiểm soát, điều khiển nghiêm ngặt.
Với nỗ lực và quyết tâm cao độ của nhà thầu thi công và các kỹ sư Việt Nam, chỉ 8 tuần sau, tàu chuyên dụng của nhà thầu Italy đã về đến bờ Phú Quốc, hoàn thành việc rải và chôn cáp ngầm. Ngày 11/1/2014, Tổng công ty điện lực miền Nam tiến hành đóng điện thử nghiệm tại trạm biến áp 110kV Hà Tiên. Công tác hiệu chỉnh các thông số kỹ thuật, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho toàn hệ thống cũng đã được thực hiện sau đó. Sự kiện đánh dấu bước hoàn thành cơ bản của dự án, sẵn sàng đưa điện lưới quốc gia ra Phú Quốc.
Từ sau ngày đất nước giải phóng đến nay, chưa bao giờ người dân Phú Quốc đón xuân với nhiều niềm vui như vậy. Bởi một khi có điện lưới quốc gia, “chiếc vòng kim cô” kìm hãm sự phát triển của hòn đảo nhiều tiềm năng này sẽ được tháo bỏ. Điện được xem là điều kiện tiên quyết, mở đường cho những giá trị tiếp theo. Trong câu chuyện ở đảo Phú Quốc, dòng điện lưới quốc gia sẽ mang lại những sức bật mới về kinh tế xã hội. Nhưng trước hết, ánh sáng điện sẽ giảm đi gánh nặng chi phí sinh hoạt cho người dân đất đảo. Ông Văn Bình Đậm, người dân xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc cho biết: “Khi chưa có điện lưới quốc gia, muốn xài điện rất là tốn kém. Phải chạy máy phát điện, trong khi dầu thì 24.000 một lít mà mỗi đêm trong nhà ít gì cũng chạy hai lít rưỡi”.
Những khó khăn của ngày nào đã lùi vào quá khứ. Chiếc đèn dầu sẽ dần được thay thế bởi bóng đèn compact. Ở những vùng khó khăn, xa xôi nhất đảo như Gành Dầu, Bãi Thơm,… những công trình đón lưới điện quốc gia cũng đã hoàn thành. Hơn ai hết, chính những người dân trên đảo đang cảm nhận được niềm vui, cảm nhận được sự chuyển mình của Phú Quốc. Đảo ngọc giờ sáng bừng lên niềm tin và sức sống mới. Chị Phạm Thị Chớ, nhà ở xã Hàm Ninh hồ hởi: “Thấy kéo điện một cái là dân ai cũng mừng, cũng trông mong cho có điện để thắp sáng.” Còn ông Nguyễn Văn Thuận ở thị trấn Dương Đông thì kỳ vọng: “Điện về như vầy, bà con rất mừng và rất phấn khởi. Vì đó giờ xài điện bằng máy đèn chứ đâu có điện quốc gia đâu. Rồi mai mốt đây giá cả cũng rẻ hơn, bà con lại được nhiều cái lợi. Vui lắm.”
Không vui sao được, khi mà người dân rồi đây chỉ phải trả giá điện bằng với giá điện ở đất liền. Không vui sao được khi mà Phú Quốc sẽ không còn thiếu điện, nghĩa là một trong những trở lực lớn nhất đối với sự phát triển của Phú Quốc cũng sẽ không còn. Là một trong những nhà đầu tư đang có dự án triển khai ở Phú Quốc, ông Võ Hồng Thức cho rằng đây là cơ hội cho công ty nào có tầm nhìn chiến lược đối với du lịch. Hy vọng là Phú Quốc trong vài năm tới sẽ trở thành một khu du lịch trọng điểm của vùng và thế giới. Bí thư huyện ủy Phú Quốc, Văn Hà Phong cũng nhấn mạnh: “Có thể nói là kéo điện ra Phú Quốc nó thực sự là rất có ý nghĩa và thật sự cần thiết. Nó đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện của đảo trong thời gian tới. Đây cũng là mơ ước của nhân dân đảo Phú Quốc.”
Xuân Giáp Ngọ này, huyện đảo Phú Quốc chưa hẳn đã có điện lưới quốc gia trên toàn đảo. Trước mắt, khu vực trung tâm thị trấn Dương Đông và những công trình trọng điểm trên đảo sẽ được ưu tiên như Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Cảng biển quốc tế An Thới,…Nhưng dòng điện lưới quốc gia đã nối đôi bờ, rút ngắn khoảng cách giữa đảo xa với đất liền. Nguồn điện mới sẽ giúp tăng trưởng của Phú Quốc tăng lên đáng kể, nhất là trong sản xuất kinh doanh và du lịch.
Như vậy, sẽ là không quá khi nói rằng dự án cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên Phú Quốc không chỉ là dự án có tầm cỡ quốc gia mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đảo ngọc. Và rồi đây, tỷ lệ hộ dân có điện sử dụng ở Phú Quốc sẽ không chỉ là 88% mà sẽ còn cao hơn. Khi điện về với vùng sâu vùng xa, thì khó khăn – thiếu thốn cũng sẽ dần được đẩy lùi. Dòng điện mới mang đến một cú hích – một sức bật kinh tế để Phú Quốc chuyển mình mạnh mẽ, phát huy tối đa lợi thế quan trọng của mình trong mối liên kết giao thông hàng hải, hàng không với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Cuộc thi "Vẻ đẹp Năng lượng Việt Nam" do Báo điện tử VnExpress, Công ty Schneider Electric Việt Nam phối hợp cùng Bộ Công Thương và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) tổ chức từ ngày 29/7 đến ngày 2/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Tác phẩm dự thi có thể là bài viết, chùm ảnh sáng tác hoặc video clip thể hiện suy nghĩ, chia sẻ về sự phát triển, vẻ đẹp của các công trình điện, điện năng trong cuộc sống; kỷ niệm hoặc kỷ vật liên quan đến công trình biểu tượng này... Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Tuấn Minh