Thông thường, những đêm nhạc của Phú Quang đều kín đặc người, chủ yếu là người có tiền vì giá vé không hề rẻ. Phú Quang thẳng thắn nhận, ông chẳng biết làm gì kiếm sống ngoài tổ chức những đêm nhạc, thế nên theo lời ông, “hèn nhất là 2 triệu đồng, sang nhất là 5 triệu đồng cho một cặp vé”. Với giá ấy, sinh viên khó lòng có cơ hội thưởng thức trực tiếp các đêm nhạc của Phú Quang.
Có lần, một cô sinh viên gọi điện cho Phú Quang than thở: “Cháu dành dụm tiền từ rất lâu mà vẫn không đủ mua một tấm vé xem đêm nhạc của chú”. Nhiều sinh viên khác gặp ông cũng ngậm ngùi: “Bọn cháu nghèo quá…”. Thế là Phú Quang nghĩ tới việc làm đêm nhạc miễn phí cho sinh viên nghèo nhưng đối xử với họ như thể họ là những người giàu. “Sinh viên đói văn nghệ, thế nên cho họ ăn dưa cà cũng đủ, nhưng tôi lại thích mời họ ăn đặc sản. Như thế họ sẽ nhớ rất lâu” - Phú Quang hài hước nói về dự định của mình.
“Đặc sản” của Phú Quang là những bài hát nổi tiếng ông sáng tác, được thể hiện bởi những giọng ca hàng đầu như Mỹ Linh, Thanh Lam, Tấn Minh, Trọng Tấn… và cả chính ông. Các ca sĩ tham gia đều nhận mức cát-xê tượng trưng nhưng ai nấy đều nhiệt tình. “Thông thường, ca sĩ hát đêm nhạc của tôi người nhận ít cũng 50 triệu, người nhiều như Ngọc Anh là hơn 100 triệu một đêm nhưng lần này, chúng tôi chỉ có kinh phí vài trăm triệu để tổ chức đêm nhạc, nếu trả như vậy thì may ra mời được hai người, hát vài ba bài, không còn tiền lo âm thanh, ánh sáng… Tôi vốn chưa từng để ca sĩ nào thiệt, vì vậy khi tôi ngỏ lời, ai cũng ủng hộ” - Phú Quang cho biết.
Không chỉ chú trọng về giọng hát, đêm nhạc của Phú Quang còn được dàn dựng công phu, kỹ lưỡng từ sân khấu, hiệu ứng ánh sáng tới kịch bản chi tiết. 23 bài hát quen thuộc như Điều giản dị, Nỗi nhớ mùa đông, Đâu phải bởi mùa thu, Biển nỗi nhớ và em, Thương lắm tóc dài ơi, Về lại phố xưa… được trình diễn trong ba tiếng đồng hồ ngay trên sân khấu ký túc xá Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, ngày 25/4.
Làm đêm nhạc sinh viên, với Phú Quang, không chỉ trả ơn những sinh viên yêu nhạc của ông mà còn là trả ơn các thầy cô, bởi nhờ những người thầy tận tụy, cậu sinh viên của 40 năm về trước đã trưởng thành. Lấy tên “Điều giản dị” đặt cho chương trình, Phú Quang khẳng định, trong đời sống, khó nhất là làm điều giản dị bởi sự giản dị không đồng nghĩa với sơ lược, đơn giản mà là những gì tinh túy, chân thành, dễ chạm vào trái tim mọi người.
Huy Phạm