Thứ năm, 23/1/2025
Thứ bảy, 11/6/2022, 00:00 (GMT+7)

Phụ nữ Việt trong tranh các danh họa thời Đông Dương

Aguttes giới thiệu tranh vẽ phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài của danh họa Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Phổ...

Nhà đấu giá Pháp Aguttes mở phiên "Nghệ sĩ châu Á, Tác phẩm quan trọng" hôm 3/6, với hai mảng tranh: Nghệ thuật Trung Quốc hiện đại và Tranh Đông Dương thế kỷ 20. Trong đó, nhiều tranh của các danh họa Việt xuất thân Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nhận định các tác phẩm có xuất xứ và lịch sử rõ ràng, theo nguồn nhà đấu giá cung cấp. Theo ông Khôi, phụ nữ là đề tài muôn thuở của các họa sĩ và cũng là chủ đề ưa chuộng của giới sưu tập. Vì vậy, tranh về phụ nữ thường có giá cao.

Bức "Ngoài trời" được bán với giá 794.720 euro (khoảng 19,7 tỷ đồng) - cao nhất toàn phiên. Tranh chất liệu mực và màu trên lụa, kích thước 73x53,8 cm được Mai Trung Thứ vẽ khoảng năm 1940-1945. Tác phẩm khắc họa hai phụ nữ mặc áo dài đang ngồi trên bãi cỏ: người ngước nhìn mây trời, người chăm chú đọc sách. Họa sĩ tô điểm thêm một số vật dụng đặc trưng của Việt Nam là những chiếc đệm làm tay vịn và cơi gỗ đựng đồ vật. Nhà đấu giá viết: "Với mái tóc búi tinh tế, đôi môi màu đỏ, hai phụ nữ qua nét vẽ của Mai Trung Thứ vô cùng thanh lịch và tinh tế". Tác phẩm được nhà sưu tập mua lại tại triển lãm ở Paris năm 1946.

Theo tài liệu của nhà đấu giá, họa sĩ giặt lụa nhiều lần mang lại sự mềm mại, uyển chuyển và đường nét tinh tế cho tác phẩm. Trong một buổi phỏng vấn tại phòng tranh của Viện Paris, dịp triển lãm "Mai Thứ - người Việt Nam ở Paris, họa sĩ vẽ tranh lụa", Mai Trung Thứ nói về kỹ thuật vẽ lụa: "Lụa phải được dệt hoàn toàn bằng tơ tằm, thật mỏng nhẹ. Bản vẽ có thể được phác thảo bằng than hoặc chì. Màu sắc được sử dụng là màu nước, màu keo hoặc màu bột. Khi vẽ cần dùng lực để màu ngấm vào các sợi vải. Tốt hơn hết là sử dụng loại cọ dành để vẽ tranh sơn dầu. Tranh sau đó sẽ được giặt bằng nước. Sau khi giặt, màu trở nên nhạt đi và hài hòa hơn. Cần phải cẩn trọng khi thao tác vì lụa bong ra sẽ khó dán lại".

"Lãng mạn dưới ánh trăng" (1943) mô tả đôi nam nữ trong một đêm trăng, chốt ở mức 514 nghìn euro (12,7 tỷ đồng). Cô gái mặc áo dài, đội mấn, tay cầm bức thư, chàng trai ngồi phía sau thổi sáo. Phong cảnh vùng quê Việt Nam được lồng ghép qua con sông, ngọn núi và những tán tre buông xuống mặt nước.

Theo nhà đấu giá, tranh ra đời năm 1943, khi Mai Trung Thứ chuyển đến sống trong căn hộ ở Vanves, khắc họa nỗi nhớ quê nhà. Ngoài ra, tác phẩm cũng thể hiện tình yêu của họa sĩ với sáo - một loại nhạc cụ dân tộc. Sinh thời, ông có thể chơi đàn bầu, đàn nguyệt, tam thập lục, thổi sáo. Tranh được một quan chức cấp cao người Pháp - bạn của Mai Trung Thứ, từng làm việc tại Đông Dương - mua và truyền lại cho nhiều thế hệ.

"Cô gái trẻ với tách trà" được ấn định mức 130 nghìn euro (3,2 tỷ đồng). Tranh ra đời khoảng năm 1955, kích thước 28x17cm, có chữ ký phía dưới bên phải. Theo Aguttes, Lê Phổ giữ niềm yêu thích với hình tượng thiếu nữ duyên dáng trong tà áo dài, nhưng tăng thêm nét hiện đại với bình hoa bên phải và bối cảnh gần như trừu tượng phía sau. Ngoài chất liệu mực nho và lụa, họa sĩ dùng sơn dầu thay thế bột màu trong tranh. Những màu sắc tươi sáng được ông vẽ bằng kỹ thuật vờn màu, đôi khi kết hợp những khoảng trống trên nền lụa. Tác phẩm như lời tiên tri về sự chuyển đổi phong cách trong tương lai của họa sĩ, sử dụng gam màu sơn dầu rực rỡ, bỏ tranh lụa sang vẽ toan.

Tác phẩm lần đầu được giới thiệu tại phòng trưng bày Romanet ở Paris, Pháp. Mặt sau tranh có in dấu của Romanet, minh chứng cho việc Lê Phổ nhận được sự quan tâm của giới nghệ thuật nơi đây. Tháng 3/1959, một người Pháp mua lại để đưa vào bộ sưu tập cá nhân.

Ra đời khoảng năm 1940, "Cô gái trẻ bên giàn trầu", kích thước 30x24 cm, là tác phẩm thể hiện tài năng của Lê Phổ với kỹ thuật vẽ mực và màu trên lụa. Họa sĩ khắc họa hình ảnh cô gái đứng tựa vào hàng rào tre, nơi những dây trầu không đang leo lên. Theo nhà đấu giá, thiếu nữ trong tranh Lê Phổ hội tụ những nét đẹp Á đông tiêu chuẩn: gương mặt trái xoan, đôi mắt hạnh nhân và khuôn miệng nhỏ nhắn. Làn da trắng tương phản với mái tóc đen như gỗ mun. Họa sĩ áp dụng trường phái kiểu cách (Mannerism) của các họa sĩ Italy vào thế kỷ 16 khi sử dụng những đường uốn lượn mềm mại để vẽ tư thế bàn tay, đường nét cơ thể. Chuyển động và những chi tiết trên khăn quàng tạo liên tưởng tới kỹ thuật vẽ nếp vải của người Hy Lạp. Tranh được bán giá 361 nghìn euro (8,9 tỷ đồng), gấp hơn ba lần dự đoán ban đầu.

Vũ Cao Đàm cũng có tên trong phiên đấu giá với bức "Hai mẹ con và chàng kỵ sĩ", chất liệu sơn dầu trên vải, kích thước 73,5x60,5 cm. Tranh được nhà sưu tập mua ở mức 110 nghìn euro (2,7 tỷ đồng).

Theo Aguttes, ra đời năm 1989, tranh là sự tổng hợp về phong cách của Vũ Cao Đàm. Tiền cảnh là người mẹ mặc áo dài trắng đang bế con, phía sau là người đàn ông đang dắt ngựa. "Dù là nam hay nữ, nhân vật trong tranh đều có vóc dáng mảnh mai, nổi bật trong tà áo dài truyền thống. Tác phẩm đan xen giữa nữ tính và sự mạnh mẽ, tượng trưng cho thanh thế và quyền lực", nhà đấu giá viết.

Họa sĩ sử dụng nét cọ qua lại để vẽ những sắc độ màu khác nhau, tạo chiều sâu cho tác phẩm. Trên nền xanh dương chủ đạo, Vũ Cao Đàm làm bừng sáng bố cục bằng những nét chấm phá tinh tế sắc vàng và đỏ - màu ông ưa thích. Sau hàng thập niên vẽ tranh sơn dầu, họa sĩ sở hữu phong cách cá nhân mang đậm tinh thần hiện đại.

Tác phẩm "Divinité" (Thần thánh) được Vũ Cao Đàm vẽ năm 1992 với chất liệu sơn dầu trên canvas, bán giá 104 nghìn euro (2,5 tỷ đồng). Lấy nền đỏ chủ đạo, họa sĩ mô tả một phụ nữ mặc áo choàng vàng ngồi theo tư thế niệm Phật, xung quanh là những đài sen trắng.

Tác phẩm "Hái chè", kích thước 45,8x38,4 cm, có chữ ký của Lê Thị Lựu phía dưới bên phải được bán giá 437 nghìn euro (10,8 tỷ đồng). Danh họa mô tả một phụ nữ dân tộc trong trang phục truyền thống, đeo gùi hái chè ở tiền cảnh. Phía sau là ba người khác làm công việc tương tự. Trong phần giới thiệu tác phẩm, nhà đấu giá cho biết với chất liệu lụa truyền thống, Lê Thị Lựu sử dụng bột màu xanh dương, lá cây, trắng và phớt hồng, với những nét chấm phá nhẹ nhàng, mang đến sự mềm mại và độc đáo cho tranh. Theo nhà đấu giá, khác xa hình ảnh thiếu nữ quý phái, sang trọng thường thấy, Lê Thị Lưu tôn vinh phụ nữ lao động chăm chỉ qua tác phẩm. Tranh được người Pháp mua lại năm 1971.

Bức "Phụ nữ hái hoa" của Trần Đắc được bán mức 5.200 euro (hơn 128 triệu đồng). Tranh có kích thước 62,7x38,7 cm, có chữ ký và dấu ở phía dưới bên phải. Họa sĩ sử dụng mực và màu trên lụa, mô tả hình ảnh hai phụ nữ mặc áo dài đang hái hoa, phía sau là những bụi tre. Trần Đắc lấy màu vàng nâu làm chủ đạo, tạo sự ấm áp, xưa cũ. Tài liệu của nhà đấu giá cho rằng tác phẩm nằm trong bộ sưu tập của Tiến sĩ N - người có quan hệ thân thiết với nhiều nghệ sĩ như Bernard Buffet, Georges Mathieu, Trần Đăng, Mai Trung Thứ... Từ đó, ông xây dựng bộ sưu tập cá nhân theo thời gian.

Bức "Nhạc sĩ trẻ với cánh én" không rõ tác giả, được nhà đấu giá ghi của Trường học Việt Nam thế kỷ 20. Tranh mực và màu trên lụa, mô tả cảnh cô gái mặc áo dài trắng, đi hài đỏ, đang chơi violin giữa khung cảnh thiên nhiên, chim én bay lượn. Bên dưới góc phải có đóng dấu, ký tên Mỹ Dung, Mộng Thương, Du Hồng năm 1949. Tác phẩm được nhà sưu tập mua giá 7.800 euro (hơn 193 triệu đồng).

Hiểu Nhân (ảnh: Aguttes)