Khi nói ra điều này tôi nói từ chính trải nghiệm của bản thân và những ghép nối từ ngữ cảnh chung của xã hội. Nếu nói về vấn đề ly hôn thì xã hội nào cũng có. Tuy nhiên để nói ly hôn vì cái gì, cuộc sống thực sự của những người trong cuộc ra sao đó mới là điều đáng đề cập.
Tôi 38 tuổi, kết hôn năm 32 tuổi, ly hôn giữa năm 34 và kết hôn lần 2 vào cuối năm ngoái. Chồng trước của tôi là người Việt, cả hai đều tốt nghiệp đại học, đi làm, anh hơn tôi 2 tuổi, chúng tôi có một cậu con trai, nhà có người giúp việc, cuộc sống chỉ chừng đó người, nhìn đơn giản vậy mà 2 con người phải ly hôn đúng ra là không vì gì cả. Thường có câu “góp gió thành bão”, những cái to lớn thì không có mà những cái nhỏ nhặt cứ phải đối diện mới khiến người ta mỏi mòn, bùng nổ. Chẳng hạn khi người làm xin nghỉ vài ngày, tôi cũng vui vẻ nấu ăn, vậy mà khi nấu xong bữa ăn, vừa lúc anh đi xuống tôi nói “vậy là xong”, anh đáp lại ngay “phụ nữ nấu ăn mà cũng kêu ca sao”.
Khi tôi nói đi ra ngoài với bạn vì có cô bạn rủ mua sắm, anh nói “phụ nữ có chồng con rồi mà còn đi chơi”. Mấy tháng tôi mới đi một lần để giữ mối liên hệ bạn bè, khi phải học thêm một chứng chỉ đào tạo ngắn hạn vì yêu cầu công việc, anh bảo “Em học nhiều làm gì, cũng sẽ chẳng bằng ai. Phụ nữ học nhiều cũng làm việc thua đàn ông”, thử hỏi làm sao tôi bỏ qua những cách nói, cách suy nghĩ nhỏ nhen như thế. Trong những đêm trằn trọc không ngủ, mọi thứ bỗng trở nên rõ ràng hơn, tôi nhận ra anh đang không muốn có sự công bằng trong gia đình, nghĩa là tôi nên chỉ biết làm mẹ, làm vợ với các công việc nội trợ hàng ngày. Điều đáng nói là anh vừa muốn cưới một người vợ hợp tiêu chuẩn hiện đại nhưng bản chất phải theo kiểu phụ nữ thời phong kiến. Tôi ly hôn mà vẫn tự hỏi đàn ông Việt làm sao thế nhỉ?
Trước khi cưới anh, tôi cũng có 2 người bạn trai khác nhưng sao thấy tính cách của họ cũng giống nhau, nghĩa là phụ nữ nên học ít thôi và làm ra tiền cũng ít. Dù người đàn ông có làm ra ít tiền, có túng thiếu đi chăng nữa cũng nên tìm cách sống trong cái ngân sách như vậy, đừng tự kiếm tiền thêm làm gì, như thế là hạ thấp đàn ông. Cái tốt hơn không quan trọng chứ cái tự ái đàn ông Việt quan trọng đến thế đấy.
Nếu đúng như thế cũng còn thấy có lối đi, đằng này không phải vậy. Tôi đọc mấy câu chuyện thấy người chồng làm ra tiền lại thường hay ra vẻ gia trưởng, khi anh ta lo cho cả gia đình mà người vợ không làm ra tiền thì bắt đầu so đo, tính toán, rồi cho mình cái quyền không chung thủy.
Chồng sau của tôi là người nước ngoài, tôi thấy khác hẳn, có thể kể hết cho anh mọi việc ở công ty, có hợp đồng nào kể cho anh nghe là anh luôn hào hứng nói “Chúc mừng, tuyệt lắm”. Tôi nấu món gì anh bảo “Honey, sao em phải nhọc công vậy, có cần anh phụ gì không”. Tôi thật sự muốn làm bài test ở tình huống trước đây, vào lúc khi nấu xong tôi bảo với anh “Xong rồi, em rất mệt đấy”, anh bảo “Muốn anh đền bù gì nào”, thật dễ chịu những việc thường ngày như lấy giùm ly nước hay ủi áo quần đều nhận được “Thanks” từ phía anh ấy.
Quả là thấy cuộc sống đầy tình cảm ấm áp. Anh là doanh nhân nhưng khả năng vào bếp cũng rất tài, có thể làm những món mỳ Ý, bánh nướng và chế biến được cả các món cá. Thật sự cảm giác nghĩ đến gia đình của tôi rất khác lạ so với trước đây, luôn có sự mới mẻ, cảm giác ân cần, nồng nàn luôn đầy ắp xung quanh. Không phải là không có những lần cãi nhau nhưng tôi thấy nó giống một cuộc tranh luận căng thẳng hơn, những gì thích hay không thích đều nói ra được với nhau.
Khi tôi buồn hay giận điều gì mà không muốn nói chuyện, anh chỉ việc đến ngồi gần lặng lẽ, cầm tờ báo để đọc dù tôi biết anh không đọc gì mà chỉ chờ tôi lên tiếng trước anh sẽ ủng hộ theo, có ai mà không lên tiếng lúc đó cho được. Các buổi gặp mặt bạn bè thường anh bảo tôi đi cùng và thấy các bạn anh cũng đem vợ đi. Cá nhân anh là người khảng khái, dễ thương như vậy và đa số đàn ông nước ngoài đều như vậy. Đàn ông nước ngoài xem cuộc sống là trải nghiệm, gia đình là tổ ấm thực sự.
Tỉ lệ ly hôn ở nước ngoài người ta thường thấy cao, bởi vì họ sống thẳng thắn. Khi sống họ sống hết mình, làm gì cũng đến nơi đến chốn, rõ ràng, minh bạch. Khi có mâu thuẫn họ tìm cách giải quyết để cả hai cùng thấy đó là hợp lý, có thì nói có, không nói không, không có từ bế tắc trong các vấn đề hàng ngày. Vì vậy, tôi cũng nhìn nhận một khi đã gắng hết mình, đi đến tận cùng vấn đề mà vẫn không giải quyết được bằng sự hòa hợp thì chia tay là điều tất yếu.
Khác là ở chỗ, Việt Nam khi ly hôn, ở người phụ nữ, nguyên nhân thường là sự ấm ức vì khi đối tượng kia không chịu lắng nghe, hay che đậy cảm xúc thật, không muốn hiểu, thì ly hôn thường là sự bùng nổ cảm xúc tiêu cực. Thời gian chịu đựng trước đó thường rất lâu, có khi triệu chứng đã xuất hiện 5 năm trước khi ly hôn, như ủ bệnh vậy. Còn đối với người nước ngoài như Âu, Mỹ, ly hôn là giai đoạn trung chuyển qua một giai đoạn khác của cảm xúc, khi cả 2 thực sự có nhu cầu khác và nói chuyện thẳng thắn với nhau vì cảm xúc thật của họ rất cao. Còn các chuyện nhỏ hàng ngày họ có sự lắng nghe, rất tinh tế khi phải thay đổi hay muốn thay đổi điều gì đó. Một người thấy người kia điều chỉnh mình cũng tự điều chỉnh theo, thế là có sự dung hòa.
Ở xã hội Việt Nam hiện nay, sự thật là phụ nữ hiện đại, có học, tự chủ về tài chính, cá tính, làm đàn ông ít nhiều giảm vị trí độc tôn so với thời trước. Điều đáng buồn là khi thấy bị “vượt”, thay vì cũng nỗ lực bứt phá, điều chỉnh để hòa hợp, nhiều người đàn ông lại rút về cái vỏ của mình và ra sức bảo vệ cái tước vị độc tôn ảo tưởng lạc hậu bằng thái độ tiêu cực, như dùng vũ lực với phụ nữ, chê bai, dè bỉu tính độc lập, mạnh mẽ của phụ nữ hiện đại.
Có lẽ phải qua 2 thế hệ nữa đàn ông Việt mới cởi mở, khảng khái như Âu, Mỹ được. Tôi nghĩ phụ nữ hiện đại bây giờ nên lấy chồng nước ngoài để tránh thêm nhiều bi kịch gia đình do bất đồng tư tưởng; biết người, biết ta để có cuộc hôn nhân đúng đắn.
Minh Thy