Thứ năm, 26/12/2024
Thứ sáu, 8/11/2024, 00:00 (GMT+7)

Phụ nữ Việt gần 100 năm trước qua ống kính người nước ngoài

Vẻ đẹp thiếu nữ dân tộc Thái, cảnh người dân quẩy gánh hàng rong mưu sinh đầu thế kỷ 20 được nhiếp ảnh gia Ukraine ghi lại.

Khán giả xem loạt ảnh được giới thiệu trong triển lãm Sofia Yablonska - hành trình xuyên thế kỷ, diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật (quận 1, TP HCM) từ ngày 4 đến 11/11. Tác giả thực hiện bộ ảnh trong những năm 1930-1940, chủ đề chính là cuộc sống làng quê thanh bình.

Một thiếu nữ dân tộc Thái trắng. Ông Gaman Oleksandr, đại sứ Ukraine tại Việt Nam, ví bà Sofia Yablonska như một "blogger du lịch" thời điểm đó. "Những bức ảnh của Sofia như những cánh cửa sổ nhìn vào quá khứ, mang đến cái nhìn thoáng về lịch sử, văn hóa và truyền thống Việt Nam", ông nói ở buổi khai mạc sự kiện nhân 32 năm quan hệ giữa hai nước.

Phim tư liệu về cảnh sinh hoạt người Việt thập niên 1930-1940 của Sofia Yablonska
 
 

Phim tư liệu về cảnh sinh hoạt người Việt thập niên 1930-1940 của Sofia Yablonska.

Một cô gái dân tộc Dao. Trong cuốn Phương trời xa xôi: Mekong huyền diệu (phát hành năm 1939) - bà Sofia viết về những người dân lao động: "Trên cánh đồng, những người bản địa đội nón và gieo hạt trong nước ngập đến đầu gối (họ không bao giờ bỏ nón vì nón che mưa, che nắng, thậm chí cả mặt trăng)".

Nhóm phụ nữ dân tộc H'Mông. Từng đến thăm nhiều bản làng, bà ấn tượng với ngôn ngữ, trang phục, phong tục ở miền núi bởi sự khác biệt so với cư dân đồng bằng.

"Tôi luôn tiếp cận họ với nụ cười, cử chỉ chào hỏi, dù ngay lập tức tôi cảm thấy họ không mấy tin tưởng người châu Âu và có phần tránh né. Những ngày hội chợ lớn, tôi mua rau của họ và hỏi ngay cách ăn, cách nấu...", bà viết.

Tác giả dành nhiều thời gian ở miền Bắc, bởi cảnh vật khiến bà nhớ về dãy núi Karpat ở quê nhà. Bà cùng chồng người Pháp - Jean-Marie Oudin - chủ yếu sống ở Bà Nà (Đà Nẵng) và Đà Lạt (Lâm Đồng), sinh con trai thứ hai tại Việt Nam.

Cảnh người dân quẩy gánh mưu sinh trên cầu. Họa sĩ Trần Thanh Bình - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM - đánh giá qua ống kính của bà Sofia, Việt Nam hiện lên bình dị mà sâu lắng. Theo ông, ảnh bà chụp vừa mang tính nghệ thuật vừa là tư liệu lịch sử quý giá.

Sofia Yablonska dành tình cảm đặc biệt cho các bé gái ở làng quê, có nhiều bức ảnh xoay quanh chủ đề này.

Nhiếp ảnh gia cũng có nhiều khoảnh khắc về cảnh sinh hoạt đường phố ở các địa phương khác, như cảnh một người dân Khmer đi xe bò kéo.

Người dân sử dụng voi để vận chuyển hàng hóa.

Hậu trường Sofia Yablonska ghi lại một bức ảnh.

Sofia Yablonska (1907-1971) là nhà văn, nhiếp ảnh gia và quay phim. Thời trẻ, bà từng thi vào ngành sư phạm song một thời gian sau không thấy phù hợp với ngành này. Năm 20 tuổi, bà rời quê hương Halychyna (phía Tây Ukraine) để đi học diễn xuất ở Paris, Pháp. Năm 1927, bà có chuyến đi xa đầu tiên đến Bắc Phi, sau đó ra mắt tiểu thuyết du lịch đầu tay - Sự quyến rũ của Maroc.

Năm 1929, Sofia có chuyến xuyên Việt khi đến Đông Dương, Hà Nội - Sài Gòn - Huế là các điểm dừng chân quen thuộc của bà. Sau gần 10 năm sống ở Việt Nam, bà trở lại châu Âu, định cư ở Paris, dành thời gian cho văn chương, dịch thuật. Năm 1971, bà qua đời trong một tai nạn xe hơi khi mang bản thảo đến một nhà xuất bản ở Paris.

Mai Nhật
Ảnh, video: Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM