Và cho đến tận gần đây, một người phụ nữ tôi rất yêu quý vẫn hỏi rằng bạn trai người nước ngoài có đánh bạn gái không. Tôi khi đó đã phì cười bảo: thế kỷ 21 rồi làm gì còn đàn ông tiến bộ nào đánh phụ nữ nữa.
Cô thở dài: “Giá đàn ông Việt Nam ai cũng được như thế”. Chồng cô mỗi khi uống rượu say là về nhà đánh vợ. Chuyện xảy ra có khi tuần vài lần. Cô rất khổ mà không biết phải làm sao.
Tôi hỏi cô sao không gọi công an, cô bảo mấy lần gọi công an làm gì có ai xuống. Người ta toàn bảo “ôi giời mai nó tỉnh rượu là hết đánh, lo mà đóng cửa bảo nhau”. Nếu cô làm căng nữa thì phường sẽ cử hội phụ nữ đến khuyên giải. Chồng cô thấy thế còn đánh dữ hơn.
Nguy hiểm hơn, có những đàn ông không thấy đánh phụ nữ là sai. Chồng cô khi đi uống rượu hay bị bạn bè khích bác, kiểu mày sợ vợ hay sao mà không dám đánh, đàn ông phải biết dạy vợ.
Một người khác cho tôi xem những vết thâm tím ở lưng, đùi. Một người khác nữa cho tôi đọc những tin nhắn đầy lăng mạ, đe doạ từ người chồng cũ - một trí thức, tác giả có tiếng.
Vấn đề là vẫn có những người phụ nữ tại Việt Nam nhẫn nhịn chịu cuộc sống bạo hành theo nhiều cách mà không dám ly hôn. Họ giấu cuộc bạo hành, dù là thể xác hay tinh thần, vì sợ định kiến, xấu hổ.
Tôi mới chứng kiến mạng xã hội tràn ngập bài viết về đám cưới của Hoàng tử Harry và diễn viên Meghan Markle với sự ngưỡng mộ và ghen tỵ. Một đám cưới đẹp như cổ tích. Và quan trọng nhất là chàng hoàng tử luôn nhìn nàng với ánh mắt đầy yêu thương.
Meghan Markle da màu, đã qua một đời chồng, hơn Harry 3 tuổi, xuất thân cũng hết sức bình thường. Cô là nhân vật chính của rất nhiều loại định kiến xưa cũ. Ở trong một xã hội mà bố mẹ nào cũng muốn con trai mình lấy “gái tân”, thua tuổi, môn đăng hộ đối, Meghan có lẽ còn lâu mới lấy được chồng.
Tôi không nói rằng tất cả các mối quan hệ đổ vỡ đều là do người đàn ông, cũng không phải luôn ủng hộ chuyện ly hôn, nhưng tôi hiểu được rằng trong một số hoàn cảnh, ly hôn là con đường duy nhất của người phụ nữ. Những người bạn đã ly hôn của tôi đều thuộc típ phụ nữ độc lập và mạnh mẽ. Họ thà mang tiếng gái một đời chồng, tự làm việc để nuôi con, đối mặt với viễn cảnh có thể “cô đơn” đến già còn hơn chấp nhận sống cùng một người làm mình đau khổ.
Nhiều người Việt Nam coi chuyện ly hôn là bản án kết thúc mơ ước hạnh phúc gia đình của người phụ nữ. Phụ nữ, sau khi lấy chồng, luôn được khuyên hãy nhẫn nhịn vì gia đình. Dù chồng có đối xử tệ bạc với mình đến đâu, thà có chồng còn hơn là li dị để trở thành phụ nữ đã qua một lần đò.
Chính những kỳ thị với phụ nữ ly hôn khiến cho nhiều cặp vợ chồng phải dành cả đời trong một mối quan hệ tồi tệ, từ bỏ cơ hội tìm kiếm tình yêu thực sự cho bản thân, gián tiếp làm khổ con cái.
Việc hoàng tử Harry chọn cưới một phụ nữ đã qua đò cũng gây ra không ít đàm tiếu ở nhiều xã hội phương Tây. Đám cưới của hoàng gia Anh đã dội gáo nước lạnh vào kỳ thị đó. Sau khi ly hôn, chia tay người đàn ông chị đã yêu gần một thập kỷ, chị không để sự đổ vỡ trong tình cảm khiến chị dừng chân trên sự nghiệp. Loạt phim truyền hình chị đóng vẫn nhận được đánh giá cao. Chị trở thành nhà hoạt động vì quyền phụ nữ cho Liên Hợp Quốc. Chị là đại sứ cho chiến dịch nước sạch của tổ chức World Vision Canada và đến Rwanda để thực hiện sứ mệnh đó. Một trong những điều chị làm sau cuộc hôn nhân đổ vỡ là thành lập thương hiệu thời trang công sở cho phụ nữ. Chính nhờ những hoạt động đó mà chị gặp hoàng tử Harry.
Câu chuyện của Meghan cho thấy việc đếm “số lần đò” là một điều vô nghĩa. Điều quan trọng là họ có cho bản thân cơ hội để trở thành người khiến người khác yêu được không. Con người không phải đồ vật để tính xài rồi hay chưa xài.
Báo cáo của các tổ chức trong và ngoài nước cho biết: 58% phụ nữ Việt Nam là nạn nhân của bạo lực gia đình; 3,6% phụ nữ Việt Nam tin rằng đàn ông là người chủ gia đình. Và có một tỷ lệ rất lớn phụ nữ tin rằng chồng có quyền đánh để dạy bảo vợ.
Thay vì sinh ra nhiều ngày để chúc mừng phụ nữ, chúng ta có thể làm những việc nhỏ bé khác như ngừng yêu cầu phụ nữ phải “tam tòng tứ đức” để rồi sau đó ngưỡng vọng một đám cưới ở trời Tây?
Nguyễn Thị Khánh Huyền