Khi nhiều nhà hoạt động xã hội liên tục tôn vinh những tiến bộ về chính trị, pháp luật trên thế giới, phụ nữ và trẻ em gái tại Afghanistan và Iran vẫn bị tấn công tình dục, bạo lực gia đình mỗi ngày.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres lưu ý rằng các quyền của phụ nữ đang bị "lạm dụng, đe dọa và vi phạm trên khắp thế giới". Điều này đồng nghĩa với việc bình đẳng giới sẽ không đạt được trong 300 năm tới khi còn tồn đọng những lỗ hổng.
"Tiến bộ giành được trong nhiều thập kỷ qua dần biến mất khi chế độ gia trưởng đang chống trả", ông Guterres nói.
Liên Hợp Quốc xác định Afghanistan là quốc gia vi phạm nghiêm trọng quyền của phụ nữ và trẻ em kể từ khi Taliban tiếp quản năm 2021. Phái bộ của tổ chức này cho biết chính quyền mới đang "áp đặt các quy tắc nhằm trói buộc phụ nữ và trẻ em gái ở trong nhà". Như quy định bé gái chỉ được học hết lớp 5; cấm phụ nữ đến các không gian công cộng như công viên, phòng tập thể dục; hay phải che kín từ đầu đến chân và cấm làm việc trong các tổ chức phi chính phủ và quốc tế.
Ngoài Afghanistan và Iran, nhiều quốc gia trên thế giới cũng ghi nhận các cuộc biểu tình đòi nữ quyền.
Tại Nhật Bản, các nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ cũng tổ chức một cuộc biểu tình nhỏ để tiếp tục yêu cầu chính phủ cho phép các cặp vợ chồng được dùng họ khác nhau. Theo Luật Dân sự năm 1898, nam hoặc nữ sau khi kết hôn buộc phải theo "họ của vợ hoặc chồng". Nhưng các cuộc khảo sát gần đây cho thấy đa sống đều ủng hộ việc giữ tên họ riêng.
Hàng trăm phụ nữ ở Philippines cũng đã tập hợp tại Manila để đòi tăng lương và có công việc tử tế. Joms Salvado, người đứng đầu cuộc biểu tình, cho biết: "Chúng tôi đang chứng kiến mức chênh lệch quá lớn về tiền lương giữa hai giới. Thậm chí, số lượng lao động nữ làm việc phi chính thức nhưng không có bất kỳ sự bảo vệ nào có xu hướng tăng đột biến".
Tại châu Âu, hàng chục nghìn người ở Paris và các thành phố khác của Pháp đã xuống đường, liên tục giương cao biểu ngữ với thông điệp "yêu cầu trả lương bình đẳng" và "đoàn kết với phụ nữ trên thế giới" để phản đối những thay đổi được đề xuất đối với hệ thống lương hưu, đặc biệt nhóm phụ nữ đang cho thiếu sự công bằng với những người đi làm. Ở quốc gia này, lương trung bình của phụ nữ thấp hơn nam giới 15,8%.
Bên cạnh những lỗ hổng hiện tại, nhiều quốc gia cũng đang nỗ lực vì một xã hội bình đẳng.
Đúng ngày 8/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trao tặng giải thưởng cấp nhà nước cho một số phụ nữ có đóng góp tại Điện Kremlin.
Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva cũng công bố các biện pháp nhằm thúc đẩy và bảo vệ phụ nữ sau nhiều năm thất bại, một phần do sự trỗi dậy của các lực lượng cực hữu dưới thời người tiền nhiệm Jair Bolsonaro. Lula đưa ra một dự luật đảm bảo trả lương bình đẳng cho phụ nữ và nam giới khi làm công việc tương đương. Ông cũng cam kết chi 73 triệu USD để xây dựng các nhà tạm trú cho bạo lực gia đình.
Tại Ireland, chính phủ tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 11 tới để tôn trọng bình đẳng giới, loại bỏ ngôn ngữ phân biệt đối xử khỏi hiến pháp của đất nước. Trước đó, hiến pháp năm 1937 của nước này quy định chính phủ sẽ cố gắng "đảm bảo các bà mẹ không bị bắt phải lao động vì nhu cầu kinh tế mà bỏ bê nhiệm vụ chăm sóc gia đình".
Bất chấp các cuộc biểu tình toàn cầu hàng năm, ngày Quốc tế Phụ nữ không được tổ chức rộng rãi ở Mỹ.
Kristen Ghodsee, giáo sư nghiên cứu về Nga và Đông Âu tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), cho biết ngày 8/3 gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đánh dấu nhiều sự kiện mà phụ nữ đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình với tư cách là người lao động.
"Phụ nữ không chỉ cố gắng giành quyền bầu cử mà còn mong thúc đẩy sự tiến bộ với toàn bộ tầng lớp lao động", chuyên gia nói
Minh Phương (Theo AP)