Châu Giang lấy cảm hứng vẽ tranh từ những phụ nữ trong đời chị: con gái, mẹ, chị, những người bạn... Đặt trọng tâm là sự gắn kết của phụ nữ, phần lớn chủ thể được vẽ theo nhóm từ hai, ba người. Điểm qua những cảnh sinh hoạt đời thường như thay quần áo, ngồi tựa vào nhau, Châu Giang đưa người xem vào thế giới riêng tư, nội tâm của người phụ nữ đầy yêu thương và nhẫn nại.
Nhắc đến bức tranh Người trợ giúp - vẽ con gái lớn Elise, họa sĩ nghẹn ngào vì tác phẩm gợi đến mối quan hệ của chị và mẹ khi xưa. Vốn không giỏi nói ra tình cảm, chị thầm thương mẹ - người luôn nhẫn nại, không bao giờ than vãn trước mọi khó khăn. Ở vai trò người con, nay trở thành mẹ, Châu Giang càng hiểu sự thiêng liêng của tình mẫu tử. Ngoài ra, họa sĩ quan sát cô, dì, mợ, các bạn gái ngoài đời sống, để đúc rút cho mình mẫu số tinh thần chung về họ: Dù hạnh phúc, đầm ấm hay đau khổ, cô độc, những "đóa hoa" này luôn tỏa hương, làm đẹp cho đời.
Trong các bức tranh, sự đối lập ở trang phục của các nhân vật mang nhiều ý nghĩa. Họa sĩ miêu tả lúc con người chỉ mặc nội y, đại diện cho sự cởi mở, hiện đại, khao khát vượt qua định kiến xã hội. Khi mặc áo dài in hoa, họ trở nên kín đáo, nền nã, nhiều lúc khép mình. Trong bức Thay áo, lồng chim được thêm vào ở bên góc - ngụ ý những quy tắc "cầm tù" tâm hồn phụ nữ. Châu Giang nói: "Dù ở hoàn cảnh nào, tình yêu và lòng vị tha là vô tận - điều làm phụ nữ trở nên mạnh mẽ, dũng cảm".
*Một số tác phẩm trong bộ sưu tập của Châu Giang
So với Ẩn hoa đầu tiên - có tông màu trầm buồn, ra mắt cách đây chín năm tại Thái Lan, triển lãm mới nhiều sắc hồng, cam. Hình bóng phụ nữ lồng vào cảnh nền hoa tử đinh hương. Họ như đóa hoa lớn nhất, nở rộ xuân sắc. Trên chất liệu lụa, Châu Giang vẽ màu nước với từng lớp chất chồng lên nhau tạo cảm giác ẩn hiện. Nhờ xử lý các mảng màu sắc, hoa lá trở nên sống động nhưng không lấn át chủ thể con người. Châu Giang tiếp tục thế mạnh vẽ con người thật, không áp dụng những lý tưởng về số đo chuẩn. Phụ nữ đẹp trong cơ thể khỏe mạnh, ở trạng thái tự tin khi cởi bỏ quần áo.
Châu Giang tranh thủ thực hiện bộ tranh trong khoảng thời gian nghỉ dịch. Những thời gian đầu, ý tưởng ào ạt "chảy" trong họa sĩ nhờ những cảm xúc có sẵn về phụ nữ. Chị hoàn thành hầu hết tác phẩm ở studio của mình tại quận 3. Còn những lúc ở nhà, chị nhờ con gái làm mẫu, rồi bày biện giá vẽ ngoài sân. Nhiều ngày, có lúc chị ngừng vẽ bởi trầm ngâm về một sắc hoa chưa ưng ý. Châu Giang nói nếu không có chồng con luôn ở bên động viên, chị khó hoàn thành nhiều sáng tác.
Họa sĩ Châu Giang tên đầy đủ là Nguyễn Thị Châu Giang, sinh năm 1975 ở Hà Nội. Năm tám tuổi, chị theo gia đình vào TP HCM. Sau khi tốt nghiệp đại học Mỹ thuật chuyên tranh sơn dầu, chị nhận học bổng bốn tháng tại trường Mỹ thuật Paris, Pháp. Năm 2014, chị là nghệ sĩ lưu trú tại xưởng nghệ thuật Cave ở New York, Mỹ. Chị từng tổ chức triển lãm tác phẩm thuộc chất liệu lụa như Bên trong tôi năm 2018, hay Ẩn hoa vào 2011. Ngoài vẽ, chị còn xuất bản hàng chục tập truyện ký, truyện ngắn, từng đoạt giải Văn học tuổi 20 và giải Văn học vì tương lai đất nước của Nhà xuất bản Trẻ và Hội Nhà văn TP HCM.
Quỳnh Quyên