"Văn phòng nơi tôi làm việc không có phòng hút sữa chuyên dụng, thế nên bàn làm việc là lựa chọn thích hợp nhất. Tôi sống ở Lantau, làm việc ở Wan Chai, vì vậy việc về nhà hút sữa cũng không khả thi", nữ nhà báo nói.
Đa số đồng nghiệp của Liz Thomas đều còn trẻ và cởi mở. Ban đầu, một số người hơi sốc, những người khác tỏ ra khó chịu, nhưng rồi họ hiểu ra rằng đây là một phần của việc làm mẹ, song song với sự nghiệp. "Họ thấy tôi vẫn đang tiếp tục công việc của mình chứ không phải "ăn trộm giờ làm", cô nói.
Ngày 1/8 là ngày bắt đầu Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ. Nhưng với bà mẹ hai con như Liz Thomas, cô có hai cậu con trai 2 tuổi và 5 tuổi, việc nâng cao nhận thức về lợi ích của việc cho con bú vẫn đang tiếp tục. Năm 2019, Liz Thomas từng phát động phong trào #Ittasteslikelove, một chiến dịch nhằm bình thường hóa việc cho con bú nơi công cộng ở Hong Kong.
Theo cuộc thăm dò năm 2016 của Unicef, khoảng 40% phụ nữ ở đặc khu hành chính này từng cho con bú ở nơi công cộng đã báo cáo về những trải nghiệm khó chịu.
Liz Thomas cũng là một trong những trường hợp như vậy: "Tôi đang cho con bú trên một chiếc xe bus ở Hong Kong thì người phụ nữ ngồi cạnh tôi nhảy ra khỏi chỗ ngồi và thét lên: "Làm ơn che vào".
Thomas từ chối và tiếp tục cho con bú. Cô không phải là tường hợp duy nhất bị bài xích vì việc cho con bú nơi công cộng. Năm 2018, cô Cathy Ho đang cho con trai sơ sinh bú trên chiếc ghế công cộng tại Stanley Plaza, phía nam Hong Kong thì một nhân viên mặc đồng phục tiếp cận, yêu cầu cô di chuyển đến nhà vệ sinh gần đó để cho đứa trẻ bú. Sau đó, người phụ nữ từ chối di chuyển và trích dẫn quyền hợp pháp của mình để cho con bú nơi công cộng trong thành phố.
Năm 2016, một buổi tụ họp nhảy flash mob của các bà mẹ cho con bú đã được diễn ra tại trạm MTR Tai Wai để tăng cường nhận thức về sự phân biệt đối xử với các bà mẹ cho con bú. Năm 2015, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (Unicef) đã ra mắt một chiến dịch tên gọi "Nói có với việc cho con bú nơi công cộng" nhằm nâng cáo thái độ tích cực của công chúng đối với việc nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi công cộng và nơi làm việc.
"Tại sao một trong những hành vi sinh học tự nhiên nhất lại trở nên bị kỳ thị là một điều phức tạp. Từ góc độ công bằng xã hội, tự do cho con bú mà không sợ bị sự quấy rối là một phần rộng hơn trong quyền của phụ nữ lẫn quyền sinh sản", Thomas nói. Cô cho rằng, thật sai lầm khi phụ nữ hở ngực trong các quảng cáo, phương tiện truyền thông, video ca nhạc thì là chuyện bình thường, nhưng việc cho con bú, đáp ứng nhu cầu của đứa trẻ lại bị cho là một hình thức khiếm nhã, khiêu khích, gây chú ý.
Hong Kong là khu vực có tỷ lệ cho con bú mẹ thấp, chỉ 27,9% phụ nữ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, sữa mẹ không chỉ là nguồn kháng thể phong phú, mà còn giúp giảm tỷ lệ hen suyễn, béo phì, tiểu đường... Nghiên cứu công bố trên tạp chí y khoa The Lancet cho thấy, nuôi con bằng sữa mẹ giúp 800.000 trẻ em thoát khỏi tử vong mỗi năm, đồng thời tiết kiệm 300 tỷ USD chi phí chăm sóc sức khỏe trẻ em. Bản thân người mẹ, nhờ cho con bú, cũng giảm được 6% nguy cơ bị ung thư vú, buồng trứng.
Thomas nhận định, chấp nhận việc cho con bú nhiều hơn cũng đồng nghĩa với việc các bà mẹ trẻ không phải cho con ăn, hay bơm hút sữa trong các nhà vệ sinh hay các môi trường không vệ sinh khác, nhất là trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng mạnh mẽ. Nó đồng thời cũng làm giảm nguy cơ viêm mô vú, gây sưng đau, do viêm tuyến vú. Điều này thường xảy ra do người mẹ trì hoãn việc hút sữa đúng giờ, xuất phát từ việc phụ nữ sợ bị mất việc nếu họ dành quá nhiều thời gian cho việc đó trong giờ làm việc.
Thomas cũng cho rằng, sự thay đổi đang diễn ra, dù là từng bước rất nhỏ, tại Hong Kong. "Trong vài năm qua, chúng ta thấy Adidas, Aldi, Sainsbury's và Gap đều đưa hình ảnh phụ nữ cho con bú vào các quảng cáo của họ, hay bìa tạp chí có hình ảnh bà mẹ cho con bú. Năm 2019, một tấm biển được dán trên cửa sổ của trung tâm mua sắm, bán lẻ Target với nội dung "chào đón những ông bố bà mẹ cho con bú bằng sữa mẹ".
Đối với những người phê bình quan điểm cho con bú nơi công cộng, Thomas nói: "Bình thường hóa việc cho con bú giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống trên toàn cầu. Bất cứ ai nghĩ rằng đây là thể hiện của chủ nghĩa nữ quyền thì về cơ bản, họ không hiểu được vấn đề".
Thùy Linh (Theo SCMP)