Tại một sân thể thao ngoài trời ở London ngày 10/8, Maya Hassan quan sát các học viên luyện tập trong lớp võ tự vệ do cô tổ chức. Chuyên gia võ thuật 28 tuổi muốn giúp đỡ phụ nữ da màu học cách đối phó với lạm dụng và xây dựng mạng lưới quan hệ, cũng như khả năng ứng phó làn sóng tấn công bạo lực và phân biệt chủng tộc.
"Lớp học khiến họ tự tin hơn", cô nói. "Họ sẽ biết cách tìm nơi giúp đỡ, tăng cường nhận thức xã hội, phát hiện bất ổn và thoát khỏi tình huống xấu".
Trên sân có khoảng 30 học viên nữ, đa phần là người Hồi giáo và sắc tộc thiểu số. Thầy dạy võ Stewart McGill cho hay số lượng phụ nữ đăng ký học đã tăng lên từ khi tình hình bắt đầu bất ổn. Anh dạy học viên cách tự vệ nhờ các đòn đá và tận dụng vũ khí bất ngờ như thắt lưng.
Học viên Elza, 24 tuổi cho hay cảm thấy tự tin hơn. "Chắc chắn là tôi không muốn dùng đến những ngón đòn này nhưng quả thực biết võ rất hữu ích và có lợi, nhất là gần đây đang có nhiều kẻ theo chủ nghĩa cực hữu phân biệt chủng tộc xuất hiện và nhằm mục tiêu vào người da màu", cô nói.
Làn sóng bạo loạn ở Anh đã kéo dài hơn một tuần, xuất phát từ tin đồn thất thiệt trên mạng rằng nghi phạm đâm tử vong ba bé gái ở Southport, tây bắc đất nước, là người Hồi giáo nhập cư. Người biểu tình đã bao vây nhà thờ Hồi giáo, đốt xe và đụng độ với cảnh sát, tấn công nhà cửa và doanh nghiệp do người nhập cư làm chủ, tấn công các khách sạn nơi người xin tị nạn trú ngụ.
Tell MAMA UK, nhóm theo dõi các sự việc chống người Hồi giáo, cho hay sự thù ghét nhằm vào người Hồi giáo đã tăng lên, đặc biệt từ tháng 10 năm ngoái, thời điểm bùng nổ xung đột Gaza.
Kể từ khi sóng bạo loạn ở Anh bắt đầu, tổ chức này đã nhận được hơn 500 cuộc gọi và thông báo trên mạng xã hội về các hành vi chống người Hồi giáo trên khắp đất nước.
Sunder Katwala, giám đốc tổ chức tư vấn British Future về các vấn đề di cư và bản sắc, nhận định nước Anh là "nền dân chủ đa sắc tộc", nhưng chính quyền thiếu chiến lược để hòa nhập các nhóm cộng đồng sắc tộc khác nhau. Trong khi những người đến từ Ukraine và Hong Kong được hỗ trợ thì nhóm khác lại không.
Hệ thống tị nạn đối mặt nhiều áp lực, số lượng đơn đăng ký tồn đọng lớn. Một số người Anh lo lắng lượng lớn người nhập cư đến nước họ sẽ tạo áp lực lên nhà ở, y tế và giáo dục.
Các cuộc bạo loạn phần lớn đã dừng lại từ khi hàng nghìn người chống phân biệt chủng tộc xuống đường biểu tình, bảo vệ các nơi dễ bị tấn công như trung tâm tư vấn nhập cư, nhà thờ Hồi giáo và khách sạn dành cho người tị nạn.
Hassan là công dân Thụy Sĩ gốc Somalia theo đạo Hồi. Cô chuyển tới Anh sinh sống từ năm 2008 bởi cảm thấy nơi đây chào đón cộng đồng sắc tộc thiểu số hơn nơi khác ở châu Âu. Cô đang tính mở thêm lớp dạy võ.
Tại Manchester, miền bắc nước Anh, nhóm vận động về quyền lợi người Hồi giáo Three Hijabis (Ba chiếc khăn trùm đầu), tuần trước tổ chức một hội nghị trực tuyến lớn về chủ đề tác động tâm lý của tình trạng bạo lực kỳ thị Hồi giáo. Khán giả đa phần là phụ nữ Hồi giáo.
Shaista Aziz, giám đốc nhóm, cho hay nhiều người không dám đi xa vì lo ngại. "Hôm nay, tôi khuyên một chị bạn mà tôi vô cùng yêu quý, rằng chị ấy nên cân nhắc bỏ khăn trùm đầu để đảm bảo an toàn khi đi qua vùng đông bắc", cô nói. "Các cuộc trò chuyện tương tự đang diễn ra trong cộng đồng người Hồi giáo ở Anh".
Thủ tướng Anh Keir Starmer, người đã ra lệnh tăng cường bảo vệ cộng đồng Hồi giáo, gọi những kẻ bạo loạn là "côn đồ phe cực hữu". Khoảng 800 người đã bị bắt, một số người đã bị truy tố và phải ngồi tù.
Các cuộc biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc vẫn có xu hướng tiếp diễn. Đối với Maki Omori, 23 tuổi, lớp học võ giúp cô chuẩn bị tinh thần tham gia biểu tình.
"Tôi cảm thấy sợ khi nghĩ tới việc mình sẽ phải bảo vệ bản thân như thế nào", Omori nói. "Tôi muốn chắc chắn nếu có chuyện xảy ra, tôi luôn sẵn sàng ứng phó".
Hồng Hạnh (Theo Reuters)