Đằng sau thành công của YouTube, nền tảng chia sẻ video trực tuyến phổ biến nhất thế giới là Susan Wojcicki - nữ doanh nhân 52 tuổi người Mỹ. Tính đến tháng 10/2020, bà sở hữu khối tài sản trị giá 580 triệu USD. Nữ doanh nhân bắt đầu công việc kinh doanh của mình từ khi mới 11 tuổi.
Trước khi đến với Google, bà từng làm việc trong bộ phận tiếp thị tại Intel và là nhà tư vấn quản lý tại Bain & Company. Năm 1999, bà được tuyển dụng là nhân viên thứ 16 của Google, tham gia phát triển nhiều công cụ nổi tiếng như Google AdSense, Google Analytics, Google Book và Google Image. Năm 2006, bà ủng hộ việc mua lại YouTube với mức giá 1,65 tỷ đô la và đảm nhiệm cương vị CEO của Youtube từ năm 2014.
Susan Wojcicki được coi là một trong những nữ doanh nhân thành công đã thay đổi cuộc chơi trong kỷ nguyên số. "Bà trùm" YouTube từng nhận định: "Công nghệ là lực lượng đáng kinh ngạc sẽ thay đổi thế giới theo những cách không thể lường trước được. Sẽ là vấn đề nếu lực lượng đó chỉ có 20-30% là phụ nữ".
Tuy nhiên, khoảng cách giới trong nền kinh tế Mỹ vẫn rất rõ nét. Theo bài báo đăng tải trên Wall Street Journal, chỉ có 167 công ty do nữ giới lãnh đạo trong 3.000 công ty hàng đầu ở Mỹ. Nhiều phụ nữ đảm nhận các vai trò cấp C (CEO, CFO, COO...), nhưng hầu hết không chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của công ty. Các lĩnh vực khác như lãnh đạo pháp lý, nhân sự, marketing và tài chính thường do phụ nữ đảm nhiệm, với tỷ lệ khoảng 25-55%.
Trong khi đó các vị trí chịu trách nhiệm về lãi và lỗ như giám đốc vận hành (COO), Trưởng phòng Kinh doanh và Trưởng bộ phận Công ty, đều có tỷ lệ nữ dưới 10%. Một số người cho rằng phụ nữ thường được giao cho các vai trò cụ thể vì họ giỏi những lĩnh vực riêng lẻ đó. Do đó họ cũng ít có cơ hội để nắm giữ các vị trí chung hoặc chịu trách nhiệm lỗ và lãi.
Tại các công ty có đội ngũ lãnh đạo đa dạng, 85% phụ nữ nói rằng họ muốn đảm nhiệm vị trí lãnh đạo (so với 87% nam giới). Trong khi đó ở các công ty đạt điểm kém về đa dạng giới, chỉ 66% phụ nữ nói rằng họ muốn chuyển trở thành người đứng đầu.
Bất bình đẳng giới không chỉ là tình trạng chung của Mỹ mà còn phổ biến trên toàn thế giới. Theo báo cáo của World Bank Group, World Economic Forum, Việt Nam đứng thứ 87 trên tổng số 153 quốc gia được khảo sát về thu hẹp khoảng cách giới. Thu nhập mỗi năm của nữ giới ít hơn trung bình 3 triệu đồng so với nam giới. Tỷ lệ nữ doanh nhân chiếm 31,3% trong khi tỷ lệ nam giới nắm quyền quản lý cấp cao là 77,6%.
Làm thế nào để phụ nữ nâng cao vị thế trong xã hội hiện đại, đảm đương những vị trí hàng đầu trong doanh nghiệp trong khi vẫn đảm đương vai trò đối với gia đình? Những câu hỏi này sẽ được giải đáp trong hành trình của "shark" Thái Vân Linh trong talk Nguy - Cơ 26 phát sóng trên VnExpress sáng 4/3. Doanh nhân cũng đưa ra lời khuyên cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.
Hoài Phong
Talkshow Nguy - Cơ là không gian để các doanh nghiệp, doanh nhân chia sẻ câu chuyện của mình, phân tích trực diện các vấn đề kinh doanh về cuộc chiến khốc liệt trên thương trường cùng host là doanh nhân, diễn giả Nguyễn Phi Vân. Chương trình do VnExpress và đối tác S-world Multimedia phối hợp thực hiện.
52 số của chương trình là câu chuyện của các vị lãnh đạo, đầu tàu doanh nghiệp đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau từ công nghệ, bất động sản, tài chính đến dịch vụ giải trí, tiêu dùng, vận tải... Mời độc giả xem lại các số Nguy - Cơ từ 1 đến 25.
Những doanh nghiệp muốn chia sẻ câu chuyện của mình có thể liên hệ Ban sản xuất chương trình tại đây.