Tháng 12 diễn ra hai cuộc thi hoa hậu lớn nhất - Miss Universe và Miss World - với chiến thắng lần lượt thuộc về Zozibini Tunzi (Nam Phi) và Toni-Ann Singh (Jamaica). Zozibini là người da đen đầu tiên của Nam Phi đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ, hai hoa hậu trước là người da trắng và người mang dòng máu lai. Lần gần nhất phụ nữ da đen đăng quang Hoa hậu Thế giới là năm 2001 với vương miện cho Agbani Darego (Nigeria).
Trước đó, tại Mỹ, lần đầu tiên trong lịch sử, ba cuộc thi sắc đẹp lớn nhất là Miss America, Miss USA, Miss Teen USA đều có người thắng cuộc là phụ nữ da màu, tóc xoăn.
NY Times nhận xét những chiến thắng liên tiếp của phụ nữ da màu mở ra thời đại mới của các cuộc thi sắc đẹp. Quan điểm về vẻ đẹp hiện đại không dành riêng cho các người mẫu có thân hình theo chuẩn búp bê, với làn da trắng và mái tóc dài, thẳng, mềm mượt.
Ở chung kết Miss World tối 14/12, ban tổ chức dành riêng cho người đẹp Jamaica - Toni-Ann Singh - tiết mục hát I Have Nothing của cố ca sĩ Whitney Houston. Ca khúc mở đầu với câu hát: "Đón nhận con người thật của tôi. Vì tôi sẽ không thay đổi sắc màu của mình cho vừa ý bạn". Trên các diễn đàn sắc đẹp, khán giả nhận xét ban tổ chức muốn gửi gắm thông điệp tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên và sự đa dạng sắc tộc qua Toni-Ann - người đăng quang cùng đêm.
Trong phần thi thuyết trình ở Miss Universe hôm 9/12, tân hoa hậu Zozibini Tunzi nói làn da đen và mái tóc tém, xoăn của cô chưa từng được coi là đẹp ngay tại quê nhà Nam Phi. "Tôi cảm thấy chiến thắng này không của riêng ai. Tôi muốn đại diện cho những phụ nữ cảm thấy lạc lõng trước định kiến về sắc đẹp, không riêng người da đen. Mỗi nơi, phụ nữ có hình thể, làn da và các đặc điểm khác nhau. Tôi nghĩ chúng ta đẹp theo nhiều cách khác nhau và không nên đóng khung các tiêu chí về vẻ ngoài của phụ nữ", cô nói trên chương trình Good Morning America sau đêm chung kết.
Sự trỗi dậy của phụ nữ da màu tại các cuộc thi nhan sắc bắt nguồn từ sự chuyển biến về cách thức tổ chức và tiêu chí đánh giá thí sinh. Những năm gần đây, Miss World và Miss Universe không còn là những kỳ thi nhan sắc đơn thuần. Những phần trình diễn trang phục chỉ quyết định thí sinh vào top 40 hoặc 20. Ban tổ chức hạn chế các màn diễn thời trang. Phần thi áo tắm, trang phục dạ hội diễn ra nhanh gọn, xen kẽ là những câu hỏi nhỏ để thí sinh thể hiện tính cách và vốn sống của bản thân thay vì hình thể. Các cuộc thi Miss World, Miss America bỏ phần trình diễn áo tắm - dù phần này luôn nhận nhiều sự chú ý từ khán giả.
Ban tổ chức ngày càng chú trọng tới kiến thức và khả năng ứng xử của thí sinh. Các vòng quan trọng thiên về thuyết trình, vấn đáp và đòi hỏi thí sinh thể hiện bản lĩnh, trí thông minh. Hai tân hoa hậu Miss World và Miss Universe đều gây ấn tượng nhờ những câu trả lời thông minh, truyền tải thông điệp mạnh mẽ và thắng những cô gái có ngoại hình vượt trội đến từ các "cường quốc nhan sắc" như Colombia, Mexico, Philippines...
*Xem thêm: Zozibini Tunzi - hoa hậu ham học
Yếu tố vẻ đẹp tự nhiên cũng được coi trọng. Ở những vòng thi trang phục và hình thể, thí sinh tranh tài theo khu vực địa lý, trên tinh thần mỗi khu vực có quan điểm khác nhau về vẻ đẹp. Điều này giúp tỷ lệ thí sinh giữa các khu vực tiến sâu cân bằng hơn, mở rộng cửa đăng quang cho các cô gái da màu.
Với cấu trúc chương trình mới, thí sinh có câu chuyện truyền cảm hứng dễ ghi điểm. Zozibini Tunzi xuất thân từ vùng quê nghèo Sidwadweni, Nam Phi. Thuở nhỏ, cô thường xuyên phải kéo xe cút kít sang làng lân cận lấy nước sinh hoạt cho gia đình. Cô bén duyên với các cuộc thi sắc đẹp vì gặp khó khăn tài chính, làm người mẫu kiếm tiền đóng học. Năm 2018, đại diện Việt Nam - H'Hen Niê - tỏa sáng tại Miss Universe khi vào top 5, gây ấn tượng nhờ câu chuyện cô gái vượt hủ tục tảo hôn, rời buôn làng lên thành phố làm thuê trọ học, rồi thử thách bản thân ở nghề người mẫu và chinh phục ngôi hoa hậu.
*Xem thêm: H'Hen Niê - 'viên ngọc đen' gây tranh cãi về nhan sắc hoa hậu
Trước khi có sự chuyển biến rõ rệt, các cuộc thi thường nhận nhiều chỉ trích cổ xúy tiêu chuẩn lạc hậu về vẻ đẹp phụ nữ, có dấu hiệu phân biệt màu da hay mang định kiến giới.
Tháng 5, người dân Ấn Độ chỉ trích cuộc thi Miss India khi 30 thí sinh lọt vào vòng chung khảo đều là người da trắng, tóc thẳng - những nét vốn không phải của người gốc Ấn Độ. Tờ BBC nhận định quốc gia châu Á bị ám ảnh với những tiêu chuẩn sắc đẹp này. Thị trường sản phẩm làm trắng da tại Ấn Độ trị giá hàng trăm triệu USD, dự kiến đạt 50 tỷ rupee (hơn 700 triệu USD) vào năm 2023. Năm 2014, Hội đồng Tiêu chuẩn Quảng cáo Ấn Độ (ASCI) đã ban hành một bộ quy định cấm các quảng cáo mô tả người có làn da sẫm màu là "thiếu cuốn hút, không hạnh phúc, lo lắng hay chán nản", xem họ là bất lợi trong "hôn nhân, công việc hay thăng tiến".
Từ giữa thế kỷ 20, người Mỹ gốc Phi tự tổ chức cuộc thi Hoa hậu Da đen để phản đối các cuộc thi sắc đẹp bị thống trị bởi người da trắng. Hàng năm, họ tập trung trước trụ sở các công ty tổ chức hoa hậu, ném nội y và đồ trang điểm để phản đối các định kiến về vẻ đẹp phụ nữ. Năm 1984, Vanessa Williams trở thành người da đen đầu tiên chiến thắng Miss America. Năm 1990, người đẹp gốc Phi Carole Gist đăng quang Miss USA và giành ngôi Á hậu 1 tại Hoa hậu Hoàn vũ cùng năm. Các chuyên gia nghiên cứu tại đại học Brown (Mỹ) nhận xét những chiến thắng này tăng số lượng các cô gái da màu thi sắc đẹp và tạo cảm hứng cho chiến thắng liên tiếp của họ gần đây.
Đạt Phan