Nghiên cứu được xuất bản trong tạp chí Developmental Psychology, tiến hành đo tác động tương tác xã hội đối với hạnh phúc của người già ở Adelaide, Australia. Những người tham gia bao gồm 74 đàn ông và phụ nữ trên 85 tuổi, ghi chép lại cảm xúc của họ khi gặp gỡ các đối tượng xã hội khác như vợ chồng, gia đình, bạn bè… 6 lần một ngày, trong 7 ngày liên tiếp.
Hơn 60 % số người tham gia là góa phụ, tuy nhiên những phụ nữ có chồng cho biết họ cảm thấy bất hạnh khi tương tác với người bạn đời hơn so với khi ở một mình. Các nhà khoa học suy đoán rằng có thể là do người phụ nữ cảm thấy gánh nặng bởi vai trò kép vừa là người vợ, vừa là người chăm sóc chồng.
"Phụ nữ thực sự không hài lòng khi người bạn đời ở với họ hàng ngày. Cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để giải thích điều này, nhưng chúng tôi giả định rằng người chồng thường lớn tuổi hơn vợ, vì vậy nhiều khả năng vợ sẽ là người chăm sóc chồng", tiến sĩ Chui của Trung tâm Ageing Studies, Đại học Flinders, cho biết.
Đối với đàn ông, nghiên cứu cho thấy họ không đặc biệt cảm thấy hạnh phúc hay bất hạnh khi ở với vợ. Tuy nhiên, trung bình những người tham gia cho biết họ cảm thấy hạnh phúc nhất khi ở cùng với bạn bè.
"Theo thang đo lường cảm xúc, đàn ông cao tuổi cảm thấy hạnh phúc nhất khi ở với bạn bè, sau đó là gia đình và người thân", Chiu nói.
Ngoài ra, người già thường dành khoảng 70 % thời gian ở một mình, mặc dù họ cho biết cảm thấy ít hạnh phúc hơn so với khi ở với mọi người.
"Chúng ta cần khuyến khích người già ra ngoài và gặp gỡ bạn bè bởi vì điều đó làm họ hạnh phúc. Nhưng thật sự không dễ dàng khi người già thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc di chuyển, vì vậy cần sự quan tâm hơn nữa từ phía chính phủ trong việc đề ra các chính sách xã hội hợp lý", Chiu đưa ra lời khuyên.
Nguyên Trường