![]() |
Bình là phóng viên văn hoá của một tờ báo ngày. Một hôm, cầm tờ giấy mời họp báo được thiết kế vô cùng lịch sự trên tay, cô cứ tần ngần vì dòng cuối có ghi: "Đề nghị sử dụng trang phục dạ hội đen hoặc trắng". Đối với Bình, đây quả là một đề nghị quá "khoai" vì từ trước đến giờ, mấy cái thứ trang phục điệu đàng, sang trọng đó chưa bao giờ nằm trong tầm ngắm của cô. Công việc của một phóng viên suốt ngày phải đi tới đi lui, phòng làm việc lại ở tít tận lưng chừng trời nên quanh năm suốt tháng Bình hầu như chỉ diện độc quần jeans, áo thì "mùa nào thức nấy" - phông mùa Hè (vừa mát, vừa đỡ phải là ủi) và len, bludong mùa Đông (vừa ấm, lại cũng vừa không phải là ủi). Hôm đó, sau một hồi đắn đo, Bình đành bỏ cuộc chỉ vì... không có trang phục dạ hội. Tương tự, An, phóng viên một tạp chí giải trí, cũng từng rơi vào thế bí khi được mời dự lễ ra mắt một sản phẩm thời trang với yêu cầu sử dụng trang phục dạ hội. Không chọn giải pháp ở nhà như Bình, An chủ động đi sắm đồ nhưng do quá gấp nên cô chẳng chọn được gì. Đánh liều đến dự với trang phục đi làm thường ngày, cô thấy mình trở nên lạc lõng nên đứng được 10 phút, An đành "chuồn" cho đỡ quê. Không chỉ có Bình, An mà rất nhiều nữ công chức, kể cả những người làm việc tại các công ty nước ngoài hẳn hoi, cũng không hề có trang phục dạ hội. Hiền, 32 tuổi, nhân viên ngân hàng Korea Exchange nói: "Mình chả có, mà có cũng chả để làm gì. Có bao giờ đi dạ hội đâu mà sắm cho phí. Mỗi bộ lên tới tiền triệu chứ nào có ít". Mỗi khi công ty có tiệc tùng, chiêu đãi thì không chỉ Hiền mà mọi người cũng chỉ mặc đồ lịch sự, mang tính công sở nhiều hơn là dạ hội. "Những đồ diêm dúa chỉ dành cho giới nào đó hoặc thanh niên, chứ công chức tuổi như bọn mình thì sao mà mặc..." - cô nói. Và vest + juyp, vest + quần âu hoặc đầm + áo khoác nhẹ vẫn là công thức chung mà các nữ công chức như Hiền thường áp dụng trong những hoạt động công chúng. Trong quan niệm của nhiều nữ người, trang phục dạ hội phải là những chiếc váy tha thướt, điệu đàng và diêm dúa mà các minh tinh màn bạc vẫn mặc trong buổi lễ trao giải Oscar. Cũng chính vì quan niệm đó mà Bình đã phải từ chối lời mời họp báo. Theo nhà thiết kế Tiến Lợi, trang phục dạ hội không cứ là những chiếc đầm diêm dúa. Những đồ đó chỉ dành cho một nhóm người như nghệ sĩ, diễn viên trong các hoạt động mang tính văn hoá. Còn trong các buổi gặp gỡ mang tính giao lưu thì chỉ cần mềm hoá một chút so với trang phục công sở về kiểu dáng cũng như chất liệu là được. Nhà thiết kế Xuân Thu cho rằng: Trang phục cho một bữa tiệc ngoài trời sẽ khác với trong nhà, hoặc trong một nhà hàng nhỏ ấm cúng với lượng người vừa phải sẽ khác với trong một nhà hàng lớn hay tại một đại sảnh của khách sạn với số lượng khách mời quy mô. Trang phục cho một buổi hoà nhạc tại nhà hát sẽ khác với một dạ tiệc mừng Giáng sinh. Theo nhà thiết kế Xuân Thu, đen là màu kinh điển của trang phục dạ hội. Vì vậy mỗi người nên "thủ" sẵn một bộ dạ hội đen để không bị động trong mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên, Hải Đường, nhân viên tập đoàn Vinashin, băn khoăn: "Đầu năm bạn còn là một cô gái thanh mảnh nhưng cuối năm đã trở thành một bà mẹ phương phi, vậy bộ đồ bạc triệu sẽ vứt vào sọt rác à?". Trong trường hợp này, đi thuê xem ra có vẻ là giải pháp khá tinh tế và hiệu quả. Đôi khi bạn có thể biến những bộ đồ bình thường trong tủ quần áo của mình (như một chiếc sơ-mi chít eo cộng với một chiếc quần âu ống rộng) thành trang phục dạ hội trong một số trường hợp khẩn cấp. Bạn kết hợp chúng với một số món phụ trang và trang sức mang tính dạ hội như chiếc vòng cổ đeo trễ, chiếc dây lưng cách điệu hay một chiếc xắc tay xinh xắn... Theo Xuân Thu, ưu điểm nổi trội của công thức sơ mi + quần âu + phụ trang dạ hội là đơn giản, tiết kiệm, dễ sử dụng và phù hợp với mọi loại phương tiện giao thông. Với công thức này, nỗi lo bị ngã chổng kềnh khi... sử dụng xe máy số trong trang phục dạ hội sẽ hoàn toàn có thể được giải quyết ổn thoả. (Theo Thời Trang Trẻ)
|