Đây là kết quả từ nghiên cứu mối liên quan giữa các yếu tố nguy cơ và thoái hóa khớp gối ở nữ trên 40 tuổi, được công bố trong hội nghị khoa học về cơ xương khớp tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM vừa qua.
Nghiên cứu thực hiện trên 296 bệnh nhân đến khám tại khoa điều trị Đau - Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương. Kết quả cho thấy, chỉ số khối cơ thể (BMI) càng cao càng có nguy cơ thoái hóa khớp gối. Nguyên nhân do khớp gối là một trong những khớp chính của cơ thể, nên khi cơ thể quá nặng sẽ đặt lên khớp sức nặng quá tải, theo thời gian sẽ làm biến đổi thoái hóa ở khớp.
Các công trình nghiên cứu trên thế giới trước đó cũng chỉ ra, nếu giảm 5 kg trong 10 năm thì nguy cơ thoái hóa khớp gối sẽ giảm 50% và khi cơ thể tăng trọng thêm một đơn vị trọng lượng thì mỗi gối phải chịu thêm 2-3 lần trọng lượng đó.
Khảo sát cũng cho thấy thoái hóa khớp gối ở nữ trên 40 tuổi có liên quan chặt chẽ đến nghề nghiệp, đái tháo đường và loãng xương. Theo đó, những nghề thường xuyên mang vác nặng, hay quỳ, ngồi xổm… làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối cao gấp 3 lần so với những nghề không sử dụng khớp gối. Bên cạnh đó, người bị loãng xương hay đái tháo đường có nguy cơ thoái hóa khớp gối cao gần 2 lần so với người khỏe mạnh.
Thoái hóa khớp gối thường gặp nhất là ở nữ. Thống kê cho thấy, có đến 80% người bị thoái hóa khớp gối là nữ trên 50 tuổi. Đa số bệnh nhân đến khám khi đã bị thoái hóa cả hai khớp gối, với những biểu hiện như lạo xạo khớp khi cử động, cứng khớp vào sáng sớm, vận động tương đối khó khăn, đau khớp gối nhiều và vừa, cơn đau giảm khi nghỉ ngơi và tăng dần khi bệnh tiến triển.
Thoái hóa khớp là bệnh lý tổn thương toàn bộ khớp, trong đó tổn thương sụn là chủ yếu. Tình trạng thoái hóa xảy ra khi không có sự cân bằng giữa lực cơ học tác động lên khớp và khả năng chịu đựng của sụn khớp. Vì vậy, bệnh thường gặp ở các khớp lớn chịu sức nặng của cơ thể như khớp háng, khớp gối...
Ngọc Nguyễn